F0 tăng cao, người dân có nên dự trữ thuốc điều trị?

Số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng cao khiến nhiều người có tâm lý dự trữ thuốc để phòng ngừa, điều trị. Cách làm này có thực sự cần thiết?

Theo chia sẻ của ThS.BS.Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, khi dịch COVID-19 xảy ra, nhiều người dân có tâm lý dự trữ thực phẩm và trong chừng mực nào đó họ dự trữ cả thuốc men. Thực ra, người dân không cần phải mua thuốc dự trữ vì thuốc có hạn sử dụng không thể để lâu.

Mặt khác, khi bị bệnh thì chúng ta đã có hệ thống hỗ trợ của các cơ sở y tế, không lo không có thuốc điều trị.

Tuy nhiên, nếu người dân muốn có sẵn thuốc trong trường hợp không tiếp cận được hỗ trợ chăm sóc y tế thì có thể chuẩn bị một số thuốc như: Thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc ngậm giảm đau rát họng Strepsil, si-rô hoặc thuốc viên giảm ho... Nếu có điều kiện thì người dân có thể chuẩn bị sẵn phương tiện theo dõi như nhiệt kế, huyết áp kế, máy đo độ bão hòa oxy (SpO2).

Người dân không nên tích trữ và tự ý sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Ảnh minh họa

Còn thuốc kháng virus SARS-CoV-2 như Molnupiravir hoặc Favipiravir là thuốc sử dụng do bác sĩ chỉ định. Hiện nay, thuốc được cấp phát để điều trị tại nhà cho người bệnh COVID-19 mức độ nhẹ tại nhiều địa phương. Không thể phủ nhận hiệu quả của thuốc kháng virus SARS-CoV-2 trong việc làm giảm nguy cơ diễn biến nặng của bệnh COVID-19 và giảm nguy cơ phát tán mầm bệnh trong cộng đồng.

Tuy vậy, việc người dân tự ý mua tích trữ thuốc có thể dẫn tới tình trạng khan hiếm thuốc sử dụng cho những người cần dùng, mặt khác có thể khiến cho thuốc dễ bị lạm dụng, sử dụng không có kiểm soát.

Việc dùng thuốc kháng virus không có kiểm soát có thể khiến cho người dùng bị các tác dụng không mong muốn của thuốc như sinh quái thai, ngộ độc gan… Nguy cơ phát sinh các chủng virus kháng thuốc cũng là mặt trái của việc dùng thuốc kháng virus không có kiểm soát.

Đ.Hằng/giadinhmoi.vn

Tin liên quan