Tự ý bỏ thuốc theo đơn của bác sĩ, người bệnh chuyển sang dùng thuốc chữa đái tháo đường được rao bán trên mạng và dẫn đến đường huyết, huyết áp tăng cao, phải vào viện cấp cứu.
Vừa qua, khoa Cấp cứu, BV Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.T. (58 tuổi, ở Kiến Thụy, Hải Phòng). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đường huyết và huyết áp tăng cao, da niêm mạc phù nề, cơ thể mệt mỏi, hoạt động chậm.
Trước đó, theo tìm hiểu tiền sử từ người nhà bệnh nhân được biết, khoảng gần một tháng nay bệnh nhân tự ý bỏ thuốc theo đơn của bác sĩ và dùng thuốc nam cùng viên sủi không rõ nguồn gốc được quảng cáo trên mạng xã hội với giá gần 3 triệu đồng cho một liệu trình với cam kết khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm trong khi tình trạng đường huyết lại tăng lên. Khoảng một tuần nay bệnh nhân thấy cơ thể và mặt phù nặng lên kèm theo cảm giác khó thở về đêm và sáng sớm. Tình trạng trên có dấu hiệu nặng dần. Ngay sau đó bệnh nhân T. được người nhà cho chuyển thẳng BV Nội tiết Trung ương.
Tại đây, sau khi tiến hành cấp cứu bệnh nhân được ghi nhận các chỉ số đường huyết 17,6mmol/L và huyết áp 190/110mmhg. Kết quả siêu âm cho thấy tràn dịch màng phổi hai bên.
Bệnh nhân T. không phải trường hợp duy nhất nhập viện cấp cứu do tự ý ngừng thuốc điều trị.
Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ 68 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội với những triệu chứng tương tự khi dùng viên thuốc dạng sủi để trị đái tháo đường.
Theo BSCK I Nguyễn Công Bình, khoa Cấp cứu, BV Nội tiết Trung ương, trong thời gian qua, đặc biệt là những tháng cuối năm, khoa Cấp cứu tiếp nhận liên tiếp nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường tăng huyết áp với nguyên nhân tự ý dùng thuốc được quảng cáo trên các trang mạng xã hội không chính thức. Nhiều bệnh nhân khi đưa vào cấp cứu đã trong tình trạng rất nặng nề, nguy hiểm tính mạng.
“Ngoài hai bệnh nhân điển hình trên, chúng tôi cũng tiếp nhận thêm một số trường hợp khác, trong đó đặc biệt có bệnh nhân nam 64 tuổi, mắc đái tháo đường 3 năm nay, tăng huyết áp 2 năm kèm theo biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn 2.
Bệnh nhân này đã tự ý bỏ hoàn toàn thuốc do đơn bác sĩ chỉ định mà thay vào đó dùng sang thuốc dạng thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng.
Sau khoảng 20 ngày uống bắt đầu phù toàn thân, khó thở, hoa mắt chóng mặt đau tức ngực. Bệnh nhân này khi vào viện đã ở trong tình trạng suy hô hấp tràn dịch đa màng, màng tim, màng phổi, màng bụng.
Quá trình cấp cứu hồi sức rất khó khăn, chúng tôi đã phải tiến hành cấp cứu điều trị tích cực mới giúp bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch” - BS Bình cho biết.
Cung cấp thêm thông tin về các ca bệnh, bác sĩ Bình cũng cho biết, đối với những bệnh nhân đái tháo đường đã được chẩn đoán và điều trị nhưng tự ý bỏ thuốc thì khi vào cấp cứu thường đã rất nặng nề như suy thận, suy gan, biến chứng tim mạch dẫn tới nguy cơ tử vong cao.
Trong quá trình điều trị, kíp trực thường phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ chức năng gan, thận, bù điện giải, đặc biệt có bệnh nhân phải tiến hành lọc máu để phục hồi bởi nguy cơ biến chứng tăng đe dọa tới tính mạng.
Hiện tại, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân thiếu quan tâm đến sức khỏe của mình cũng như không có nhiều điều kiện để tiếp cận với các nguồn thông tin chính xác, uy tín.
Bệnh đái tháo đường hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên, bệnh nhân đôi khi mang tâm lý lo lắng. Đồng thời, một số cơ sở hiện nay hứa hẹn việc dùng các loại thuốc khác nhau sẽ giúp bệnh nhân chữa khỏi bệnh hoàn toàn khiến nhiều người tin tưởng và làm theo.
Do đó, người bệnh cần tỉnh táo và trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn cũng như cho lời khuyên phù hợp, tránh dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được Bộ Y tế cấp phép.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần đi khám định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa nội tiết, đái tháo đường. Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để kiểm tra.
Những lưu ý đối với bệnh nhân đái tháo đường khi sử dụng thuốc: