Tiêu chảy, viêm da, nhiễm siêu vi… là một trong số bệnh trẻ rất dễ gặp trong ngày hè. Để phòng tránh các loại bệnh này, cha mẹ nên nắm rõ những nguyên nhân, nguyên tắc lây truyền của bệnh.
Tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An những ngày gần đây, số lượng trẻ em đến khám bệnh và nhập viện do các bệnh mùa nắng nóng bắt đầu gia tăng.
Trao đổi với Gia đình mới, BS.CKI Vương Thị Minh Nguyệt - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 800-1000 bệnh nhi đến khám.
Mùa hè với thời tiết nắng nóng, độ ẩm trong không khí tăng cao, tăng nguy cơ các bệnh nhiễm khuẩn: sốt, phát ban, viêm da, thủy đậu, tay chân miệng, bệnh đường hô hấp hay tiêu chảy cấp,...
Mùa hè, độ ẩm tăng cao, thức ăn dễ nhiễm khuẩn làm cho vi khuẩn và virus bùng phát gây tiêu chảy cấp.
Khi trẻ bịtiêu chảy, các triệu chứng thường gặp: Nôn, sốt, đại tiện phân lỏng từ 3 lần trở lên, đau bụng, bụng chướng, các dấu hiệu mất nước như môi khô, quấy khóc, kích thích, vật vã, da khô, uống nước háo hức, li bì, mắt trũng..
Để chăm sóc một trẻ bị tiêu chảy đúng cách, bà mẹ cần làm tốt 3 nguyên tắc sau đây:
- Bù đủ nước và điện giải bằng cách cho trẻ uống oresol để phòng mất nước. Lưu ý oresol phải pha theo hướng dẫn của bác sĩ vì pha sai có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh, gây rối loạn điện giải, thậm chí tử vong. Cho trẻ uống theo nhu cầu của trẻ.
- Ăn thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa, tránh thức ăn có năng lượng và protein, điện giải thấp và nhiều carbonhydrate.
- Theo dõi và đưa trẻ đến khám tại bệnh viện nếu trẻ sốt cao, nôn nhiều, tiêu chảy phân nước nhiều hơn, mất nước nhiều hơn.
2. Viêm da
Thường hay gặp các dạng viêm da do liên cầu, tụ cầu như các bọng nước vỡ và lan ra, hay mụn mủ toàn thân.
Khi trẻ có biểu hiện trên nên đi khám để được điều trị kịp thời, không được tự ý bôi thuốc và lấy các lá cây tắm. Vì nguy cơ gây bội nhiễm, nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết.
Để phòng ngừa bệnh, mẹ nên thường xuyên giữ cơ thể trẻ sạch sẽ thoáng mát, mặc quần áo chất liệu cotton để thấm hút mồ hôi, duy trì nhiệt độ phòng 27 - 28 độ để trẻ không cảm thấy nóng nực, ngột ngạt.
3. Trẻ bị thủy đậu
Thủy đậu là bệnh ngoài da và rất dễ lây lan trong không khí vì virus gây bệnh sẽ phát tán trong không khí theo đường nói, ho, hắt hơi, khóc của người bệnh.
Khi bị thủy đậu, trẻ thường có triệu chứng như nổi bóng nước rất nhanh và toàn thân, các nốt này thường nổi theo đợt, xen kẽ với đợt mụn cũ và mụn mới.
Khi bị bệnh, các mẹ cho trẻ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, chú ý vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, ăn uống đủ chất. Theo dõi nếu có triệu chứng sốt cao, nôn nhiều, đau đầu... đưa trẻ đến cơ sở y tế khám.
Ngoài ra, cách phòng bệnh tốt nhất là mẹ nên cho trẻ tiêm ngừa vắc xin thủy đậu 2 liều đầy đủ, đúng lịch.
4. Nhiễm siêu vi
Mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khiến trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, tiêu chảy...
Một số siêu vi nguy hiểm có thể gây hại cho trẻ, chúng ta cần phải chú ý để có cách phòng ngừa chủ động bằng các loại vắc xin sẵn có như siêu vi Sởi, siêu vi gây bệnh Thủy đậu, bệnh Quai bị…
5. Bệnh tay chân miệng
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao gây nhiều lo lắng cho gia đình có trẻ nhỏ. Trẻ sốt, nổi ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, chân, mông, gối, miệng, quấy khóc, bỏ ăn, giật mình, co giật,...
Bệnh diễn biến nhanh, nên cần đưa trẻ đến khám cơ sở y tế gần nhất để đánh giá tình trạng bệnh. Trẻ cần được tắm rửa và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để phòng biến chứng.
- Thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách vệ sinh sạch sẽ nơi chế biến, ăn chín, uống sôi, sử dụng các loại thực phẩm an toàn để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, đường ruột.
- Không nên cho trẻ uống nhiều nước đá hay ăn những thức ăn quá lạnh.
- Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, mồ hôi tiết ra nhiều khiến cơ thể mất nhiều nước, vì thế cần cho trẻ uống đủ nước khi ở nhà hay đi học. Cho trẻ uống nước thường xuyên, thêm nước cam vắt, nước chanh; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai, nhất là nước có gas.
- Tắm gội sạch sẽ hàng ngày cho trẻ, thay quần áo cho trẻ mỗi khi bị ướt hay ra nhiều mồ hôi để tránh bị cảm lạnh, chốc lở, nhiễm nấm, không để trẻ gãi để tránh làm tổn thương, nhiễm trùng da.
- Không nên cho trẻ nghịch đất, cát, không cho trẻ tắm biển hoặc sông, suối vào lúc còn nắng gắt.
- Mỗi khi ra nắng hay đi học phải đội mũ, nón rộng vành cho trẻ để không bị say nắng.
- Tùy theo lứa tuổi của trẻ mà bật quạt số to hay nhỏ. Trẻ sơ sinh không nên để quạt quá gần , để quạt số nhỏ nhất và không nên để quạt thẳng vào mặt.
- Đưa trẻ đi tiêm các loại vaccine để chủ động phòng bệnh cho trẻ. Đây là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm.