Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình với người thứ 2 trở đi; đồng thời đề xuất thân nhân của người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên được ngân sách hỗ trợ một phần đóng BHYT.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 14 Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế quy định thành viên thuộc hộ gia đình quy định tại điểm a khoản 5 Điều 13 của Luật này được giảm trừ mức đóng từ thành viên thứ hai khi tham gia bảo hiểm y tế trong năm tài chính, cụ thể như sau:
- Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;
- Từ người thứ hai trở đi đóng bằng 80% mức đóng của người thứ nhất.
Theo quy định hiện hành, tại khoản 3 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) tất cả thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật này phải tham gia bảo hiểm y tế. Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể như sau:
- Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;
- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Như vậy, so với hiện hành, đề xuất mới tại Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế tăng mức đóng BHYT hộ gia đình với người thứ 2 trở đi lên 80% mức đóng của người thứ nhất.
Dự thảo này cũng khuyến khích một số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đóng trước tiền tham gia bảo hiểm y tế tối đa 3 năm. Khi mệnh giá thẻ BHYT thay đổi, người đã nộp tiền không phải nộp thêm hoặc nhận lại; không được rút tiền đã đóng BHYT.
Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất, thân nhân của người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần đóng BHYT.
Cụ thể, đó là thân nhân của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động); người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất bổ sung các trường hợp quỹ BHYT không chi trả như: Sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; Các dịch vụ, thuốc, vật tư y tế, dụng cụ, thiết bị y tế không nằm trong danh mục, phạm vi và tỷ lệ chi trả do Bộ Y tế ban hành.