Trong lúc nướng mực bằng cồn, anh N.V. (17 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) bị bỏng mặt, lưng, ngực, 2 tay diện tích 40% cơ thể, bỏng độ 2 - 3.
Được biết, trong lúc nướng mực, thấy ngọn lửa có màu xanh trong, bệnh nhân tưởng đã tắt lửa, hết cồn nên đã đổ tiếp cồn vào khay khiến ngọn lửa bùng lên gây bỏng nặng và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu.
Thông tin từ khoa Điều trị bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, thời gian gần đây có nhiều bệnh nhân phải đến khoa điều trị bỏng do nướng mực bằng cồn. Điều đáng nói là có nhiều bệnh nhân bị bỏng nặng, các vết bỏng sâu rộng, có dấu hiệu hoại tử, băng thấm dịch… khiến thời gian điều trị lâu.
Tùy theo mức độ bỏng, diện tích bỏng khi khỏi thường để lại sẹo co rúm trên da. Để tránh bị bỏng và giảm những biến chứng do bỏng gây ra, mọi người cần cẩn trọng khi nướng thực phẩm bằng cồn.
Theo bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, với những mức độ tổn thương khác nhau sẽ có cách sơ cứu khác nhau như dưới đây.
Đối với bỏng nhẹ cần sơ cứu như sau:
- Làm mát tổn thương bỏng để giúp làm dịu cảm giác đau. Tưới nước mát (không phải nước lạnh) lên vết bỏng từ 10 - 15 phút hoặc cho tới khi đỡ đau. Hoặc ngâm vết bỏng trong nước mát hay dùng gạc lạnh làm mát bết bỏng. Vết bỏng được làm mát sẽ đỡ phù nề do da được hạ nhiệt. Chú ý không chườm đá lạnh lên vết bỏng.
- Tháo nhẫn hoặc bất cứ thứ gì thắt chặn khỏi vùng tổn thương bỏng. Cố gắng làm thật nhanh và nhẹ nhàng trước khi vùng tổn thương bỏng phù nề.
- Không làm vỡ các bọng nước nhỏ (không lớn hơn móng tay nhỏ của bạn). Nếu bọng nước vỡ, làm sạch nhẹ nhàng vùng tổn thương bằng xà bông nhẹ và nước, bôi thuốc mỡ kháng sinh và che phủ tổn thương bằng một miếng băng gạc không dính.
- Bôi kem dưỡng ẩm (kem dưỡng da aloe vera) hoặc kem hydrocortisone liều thấp vì nó có thể làm giảm đau trong một số trường hợp.
- Nếu cần thiết có thể sử dụng thuốc giảm đau không cần kê đơn như: ibuprofen (Advil, Motrin IB,...), naproxen sodium (Aleve) hoặc acetaminophen (Tylenol,...).
- Cân nhắc tiêm phòng uốn ván. Hãy chắc chắn rằng bạn đã được tiêm phòng nhắc lại bệnh uốn ván rồi. Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiêm phòng uốn ván mỗi 10 năm.
Đi khám bác sĩ nếu bạn có các bọng nước lớn (lớn hơn móng tay nhỏ của bạn). Bọng nước lớn tốt nhất cần được loại bỏ vì chúng khó có thể bám dính và lành được trên da.
Cũng cần đi khám bác sĩ nếu tổn thương bỏng trên một vùng lớn của cơ thể hoặc nếu bạn có những dấu hiệu của nhiễm trùng, chẳng hạn như chảy dịch từ tổn thương bỏng, đau, đỏ và sưng nề tăng lên.
Với những trường hợp bỏng nặng
Gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc các dịch vụ cấp cứu gần nhất khi bị bỏng nặng. Trong khi chờ đợi đơn vị cấp cứu tới, những sơ cứu sau cần được thực hiện:
- Bảo vệ người bị bỏng khỏi các mối nguy hại hơn nữa. Nếu bạn có thể thực hiện như vậy một cách an toàn, thì hãy đảm bảo người mà bạn đang giúp đỡ không tiếp xúc với vật liệu đang âm ỉ cháy hoặc không phơi nhiễm với khói hoặc nhiệt. Nhưng không được loại bỏ quần áo bị cháy dính vào da.
- Kiểm tra các dấu hiệu tuần hoàn. Quan sát tình trạng hô hấp, ho hoặc cử động. Tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) nếu cần thiết.
- Tháo bỏ đồ trang sức, thắt lưng và bất cứu thứ gì thắt chặt trên cơ thể, đặc biệt xung quanh vùng bị bỏng và cổ. Vùng tổn thương bỏng sẽ phù nền rất nhanh.
- Không nhúng tổn thương bỏng nặng và rộng trong nước lạnh. Nếu làm như vậy có thể gây mất nhiệt nghiêm trọng cho cơ thể (hạ thân nhiệt) hoặc tụt huyết áp và giảm lưu lượng máu (sốc).
- Nâng cao vùng bị bỏng. Nâng vùng tổn thương bỏng cao hơn mức tim nếu có thể.
- Che phủ vùng tổn thương bỏng. Sử dụng băng ẩm mát hoặc quần áo sạch.