Bác sĩ Trần Anh Thắng, Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết: “Tôi và các đồng nghiệp của mình vừa tiến hành cấp cứu cho 3 bệnh nhân bị bỏng nặng vì bóng bay".
Trước đó, tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, có một cặp đôi mua một chùm bóng bay với khoảng 100 quả bóng để chụp ảnh.
Khi cô gái đang tạo dáng với chùm bóng bay thì có một cặp bố con đi ngang qua và cậu bé đòi bằng được bóng bay. Cô gái đã cho cậu bé vài quả, nhưng cậu bé lại nhất quyết đòi cả chùm.
Dù cô gái đã nói mình chụp xong vài bức ảnh sẽ cho cậu bé nhưng người bố của đứa trẻ đã dùng bật lửa đốt sợi dây cầm để lấy bóng. Kết quả gần trăm quả bóng nổ tung, gây bỏng cho cô gái và 2 người đàn ông.
Trong 3 người, cô gái bị bỏng nặng nhất, vết bỏng tập trung ở vùng mặt, đầu, cổ và tay. Chúng tôi tiến hành sơ cứu ban đầu và đưa các bệnh nhân vào viện. Cũng may cậu bé đứng xa nên không bị ảnh hưởng gì.
"Đây chỉ là một trong số rất nhiều ca bỏng do nổ bóng bay mà chúng tôi đã từng cấp cứu cho người bệnh. Mặc dù các bác sĩ chúng tôi đã khuyến cáo rất nhiều lần để người dân cẩn trọng hơn trong khi chơi, tiếp xúc với bóng bay có bơm khí hydro, nhưng không hiểu sao dịp cuối tuần trên phố đi bộ vẫn xuất hiện cảnh các cô bé, cậu bé cầm chùm bóng to để chơi đùa, chụp ảnh” - BS Trần Anh Thắng nhấn mạnh.
Để những quả bóng bay lơ lửng trên không, người bán phải bơm vào bóng khí hydro hoặc khí heli. Khí heli được cho là an toàn với nhiệt độ, còn khí hydro khi gặp lượng nhiệt cao sẽ lập tức phát nổ.
Vì giá thành chênh lệch, những người bán hàng thường sẽ chọn bơm khí hydro để thu lợi nhuận cao hơn, điều đó có nghĩa là tính an toàn cho người chơi, người tiếp xúc với bóng bay bơm khí không được đảm bảo.
Bác sĩ Thắng cho biết thêm, khi tiếp xúc với lửa, tàn lửa thuốc lá bóng bay bơm khí rất dễ phát nổ và gây bỏng cho người chơi.
Ngoài ra, những quả bóng bơm khí cũng có thể tự phát nổ nếu bên trong có quá nhiều khí hydro, hay chuyển bóng từ không gian rộng vào phòng nhỏ thiếu không khí hoặc sự cọ xát giữa những trái bóng trong một chùm bóng to cũng có thể gây nổ và tạo ra áp lực mạnh.
Điều đáng nói là những quả bóng bơm khí khi nổ thường gây bỏng ở vị trí nguy hiểm là vùng mặt, đầu, cổ, tay, do người chơi hay cầm bóng ngang tầm mắt. Những vết bỏng sâu rộng gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và để lại nhiều di chứng cho người bệnh.
Chính vì thế, khi chơi bóng, nhất là với trẻ nhỏ, cần chú ý quan sát để tránh xa lửa, không mang bóng vào phòng kín, chơi những quả bóng nhỏ, chơi với số lượng ít để không gây cọ xát, nổ cộng hưởng cả chùm ảnh hưởng đến sức khỏe. Tốt nhất là người lớn không nên mua loại bóng bay bơm khí cho trẻ chơi để tránh những hậu quả đánh tiếc xảy ra.
Với những người bán bóng bay cần chú ý khi cầm cả chùm bóng phải thận trọng với sự thay đổi của môi trường, tránh gây cọ xát để phòng bóng bay nổ. Nếu chẳng may có sự cố nổ bóng bay gây bỏng, cần gọi ngay Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội hoặc đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Bác sĩ cảnh báo: Nhiều người bỏng nặng vì chụp ảnh với bóng bay tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].