Viện Bỏng Quốc gia đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân điều trị bỏng dùng thuốc của thầy lang. Các trường hợp này đều gặp biến chứng đã có trường hợp tử vong.
Bệnh nhân Hữu Minh (sinh năm 2001, Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên) nướng mực không may bị bỏng. Vị trí bỏng ở khu vực cổ, sau đùi 2 bên, 2 tay. Việc sử dụng cồn để nướng mực chính là nguyên nhân khiến cho nhiều tai nạn bỏng đáng tiếc xảy ra.
Sau khi đưa Hữu Minh tới một bệnh viện trong tỉnh khám, tin lời người xung quanh mách về phương thuốc nam chữa bỏng, bố đưa em tới thầy lang gần nhà để điều trị bằng phương pháp đắp thuốc mặc mẹ Minh can ngăn. Mỗi ngày 2 lần sáng, chiều, thầy lang đến tận nhà đắp thuốc cho Hữu Anh.
Anh Hữu Anh - bố của Hữu Minh cho biết, sau 36 ngày, các vết bỏng nhẹ lần lượt được se lại. Tuy nhiên, còn 2 vết bỏng nặng ở đùi thì mãi không khỏi. Vì vậy, gia đình đưa cháu tới Viện Bỏng quốc gia để điều trị.
Đại tá, PGS, TS Hồ Thị Xuân Hương - Phó chủ nhiệm khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, Hữu Anh nhập viện trong tình trạng thể trạng yếu, da xanh, niêm mạc nhợt, thiếu máu trầm trọng, rối loạn chuyển hoá, men gan tăng cao.
Các bác sĩ tại khoa Bỏng trẻ em đã truyền máu, truyền dịch nuôi dưỡng, và phẫu thuật cho Hữu Minh. Thuốc tạo màng mà thầy lang sử dụng đã ngấm vào cơ thể, phá huỷ tổ chức, mảnh ghép da có nguy cơ bị phá huỷ cao.
Nếu các trường hợp khác, sau khi ghép da 5-7 ngày là da sống nhưng với Hữu Minh, phải hơn 2 tuần mảnh da ghép mới sống hoàn toàn. Sau khoảng 20 ngày điều trị tại Khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia, Hữu Minh khỏi và ra viện.
Tại Khoa Bỏng trẻ em, Viện bỏng quốc gia đã có 2 trường hợp trẻ tử vong do đắp thuốc đông y dẫn tới suy chức năng các tạng và tử vong.
Cách đây 1 tuần, Viện bỏng Quốc gia tiếp nhận trường hợp người lớn bị bỏng bô xe máy với diện tích 30 cm2. Người này điều trị bằng thuốc đông y. Khi nhập Viện bỏng Quốc gia, vết thương đã nhiễm khuẩn và có nguy cơ hoại tử. Trong đêm hôm đó, bệnh nhân tử vong.
Đây là một trong nhiều bệnh nhân điều trị bỏng tại các cơ sở của thầy lang, do dùng thuốc tự pha chế điều trị bỏng không đúng chỉ định nên đã để lại hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, có thể tử vong.
Bác sĩ Xuân Hương cho biết: Bỏng có hai loại là bỏng nông (tự khỏi) và bỏng sâu (không tự khỏi). Bỏng nông có thể điều trị dược liệu khỏi nhưng phải chống nhiễm khuẩn, còn bỏng sâu thì không có cách nào ngoài phẫu thuật ghép da.
Hơn nữa, để tiên lượng tình trạng nặng hay nhẹ, nguy hiểm hay không nguy hiểm của bỏng thì ngoài độ sâu như trên, còn phụ thuộc vào diện tích bỏng rộng hay hẹp, phụ thuộc tuổi của nạn nhân, phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ, bệnh tật của bệnh nhân khi bị bỏng...
Một số thầy lang không có kiến thức chuyên môn cơ bản về chẩn đoán loại bỏng, đánh giá mức độ nặng nhẹ của bỏng ...do đó sẽ rất nguy hiểm nếu sau khi bị bỏng lại đưa nạn nhân đến thầy lang. Nhưng một số thầy lang không biết điều đó, vết bỏng nào cũng bôi thuốc thuốc tạo màng.
Khi bôi thuốc, trên da sẽ hình thành một lớp màng ngăn vết bỏng, khiến người bệnh thấy khô ráo nghĩ là khỏi. Nhưng thực ra vết bỏng vẫn không liền, thậm chí bị nhiễm trùng, sinh dịch mủ dưới vết thương, khiến vết thương bị tất đỏ, phù nề và khiến vết bỏng càng sâu hơn. Mủ không thoát được ra ngoài đã tạo thành độc tố cho cơ thể.