Bạn mở tủ quần áo ra và thấy 'Mình chẳng có gì để mặc'. Đây là vấn đề chung của nhiều chị em phụ nữ.
Nhu cầu mua sắm quần áo của con người ngày càng tăng, nhất là các chị em phụ nữ. Đi chơi phải mặc đồ mới, đi đám cưới phải mua đồ mới,... Đặc biệt là hầu như những bộ đồ đó các chị em chẳng mặc đến lần hai.
Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng đang mua sắm quần áo nhiều hơn 60% năm 2014 so với năm 2000, nhưng thời gian sử dụng lại giảm đi một nửa.
Julia Mooney, một giáo viên đến từ New Jersey nhận thấy hậu quả tiêu cực đối với môi trường xã hội do xu hướng mua sắm này và muốn mọi người nhận thức vấn đề để thay đổi sang tiêu dùng bền vững và thông thái hơn.
Julia chia sẻ bức ảnh đầu tiên trên Instagram vào đầu tháng 8/2018. Cô tuyên bố mình sẽ thử thách chính mình mặc cùng một chiếc váy trong vòng 100 ngày. Cô cũng bình luận ngay từ đầu một số vấn đề có thể gặp phải.
"Bẩn ư? Ồ, tôi sẽ giặt nó mà! Chán ư? Chắc chắn rồi. Tôi thích thể hiện cá tính qua trang phục." Cô nói thêm nếu lỡ chiếc váy bị rách, cô sẽ vá nó như mọi người vẫn làm ngày xưa. Cô còn mặc cả tạp dề đến lớp để tránh bị dính sơn.
Lý do Julia lựa chọn tham gia thử thách này chính là vì cô muốn thử sống đơn giản. Cô muốn dẹp câu hỏi phiền toái "Hôm nay mặc gì?" ra khỏi đầu.
Với một bà mẹ hai con phải thay đồ xong trước 6 giờ 30 sáng thì điều này thực sự giúp cuộc sống của mình dễ dàng hơn. Cô cũng cho biết thay đổi này giúp cô tiết kiệm không gian vì cô sẽ cần ít đồ hơn, ít tủ quần áo hơn.
Khi cô nói quyết định này với con gái, cô đã đề cập đến các vấn đề xã hội. Nhu cầu trang phục giá rẻ ngày càng tăng của người tiêu dùng khiến các công ty Mỹ chuyển việc sản xuất ra nước ngoài, nơi luật lao động Mỹ không thể bảo vệ các công nhân này. Ở các nước đang phát triển họ có thể sử dụng lực lượng lao động giá rẻ hơn rất nhiều, có khi thấp hơn tới 3,5 lần so với mức cần để đáp ứng nhu cầu sống cơ bản.
Thời trang thay đổi chóng mặt gây áp lực lên ngành sản xuất, dẫn đến tình trạng lợi nhuận được đặt lên trên quyền lợi của người lao động.
Tiêu dùng phung phí, thiếu trách nhiệm cũng gây ra các vấn đề môi trường. Số liệu cho thấy việc sản xuất ra một chiếc quần bò thải ra cùng lượng khí nhà kính so với lái ô tô 112 km. Sản xuất một chiếc áo phông cotton cũng cần 2.700 lít nước, bằng lượng nước sạch một người uống trong 3 - 3,5 năm.
Đôi khi chúng ta mua quần áo mà không chắc minh sẽ mặc nó. Nếu được giáo dục những điều trên thì chắc chắn bạn sẽ tránh được tình trạng mua sắm như hiện nay.
Cô giáo Julia muốn khuyến khích mọi người cân nhắc trước khi sa vào vòng tuần hoàn "mua, mặc, bỏ, mua cái khác". Trang phục không định nghĩa được con người, mà quan trọng là cách hành xử của bạn.
Với thử thách 100 ngày này, Julia không phải muốn mọi người mặc đi mặc lại quần áo, mà đang muốn cho bạn thấy chúng ta không cần quá nhiều quần áo mới. Thay vì chăm chút ngoại hình, hãy dành thêm thời gian, năng lược cho những người tốt và tuyệt vời.
Julia đã vượt qua thử thách này và hiện cô không còn mặc cùng một bộ đồ mỗi ngày nữa. Tuy nhiên, cô đã giảm bớt số quần áo trong tủ đồ và mặc lại đồ cũ nhiều hơn.
Cô cũng lan tỏa ý tưởng của mình và hy vọng thu hút được nhiều người tham gia thử thách. Nếu bạn cũng có hứng thú, hãy cùng tham gia với hashtag #OneOutfit100Days nhé.
Một số bức ảnh những người tham gia thử thách
(Theo Bright Side)