'Ngành da liễu thẩm mỹ đang tồn tại nhiều lỗ hổng nên tôi mong muốn có thể chuẩn hóa tri thức ngành da liễu thẩm mỹ để người tiêu dùng Việt được làm đẹp an toàn, hiệu quả' - chuyên gia da liễu Nguyễn Thị Tuyết Nhung chia sẻ.
Là một ngành đang rất "hot" nhưng da liễu thẩm mỹ cũng tiềm ẩn nhiều những mặt trái để lại hậu quả cho không ít người tiêu dùng. Đây cũng là trăn trở rất lớn của Chuyên gia da liễu thẩm mỹ Nguyễn Thi Tuyết Nhung (Giảng viên thẩm mỹ trường Cao đẳng CN Y Dược Việt Nam).
PV Gia Đình Mới đã gặp gỡ và trò chuyện với chị để hiểu hơn về thực trạng này cũng như mong muốn chuẩn hóa tri thức ngành da liễu thẩm mỹ của chị.
PV: Là giảng viên trẻ nổi tiếng đang đào tạo cho các khóa học về da liễu thẩm mỹ cho các chủ Spa, chị nhìn nhận ra sao khi da liễu thẩm mỹ là một ngành đang rất hot nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ làm đẹp không an toàn?
Chuyên gia Tuyết Nhung: Tôi đã có 15 năm gắn bó và tìm hiểu rất sâu về ngành da liễu thẩm mỹ. Từ khi bước vào lĩnh vực này, tôi tiếp xúc và làm việc với rất nhiều nhân sự cấp cao của các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp Châu Âu.
Từ đó tôi nắm rất rõ quy trình nghiên cứu, sáng chế, sản xuất ra các dòng sản phẩm đặc sắc cũng như các kỹ thuật chuyên môn thuần thục và quy trình vận hành chuyên nghiệp lĩnh vực này.
Khi làm việc với các thương hiệu lớn ở nước ngoài, tiếp cận với người tiêu dùng nước ngoài và khi nhìn nhận ở Việt Nam, tôi thấy những lo lắng về nguy cơ làm đẹp không an toàn là có cơ sở. Và tôi cũng đang luôn trăn trở về “lỗ hổng” của ngành này.
PV: Các lỗ hổng của ngành này là gì, thưa chuyên gia?
Chuyên gia Tuyết Nhung: Thứ nhất là ở góc độ người tiêu dùng, thì ở Việt Nam, có tới 2/3 người tiêu dùng Việt chưa có kiến thức làm đẹp khoa học mà họ đang làm đẹp theo xu hướng, theo trend. Do vậy dẫn tới nhiều người gặp cảnh ‘tiền mất tật mang’ khi nhiều chủ Spa, nhiều người kinh doanh đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, bán sản phẩm không đạt chất lượng cũng như làm đẹp không hiệu quả, thiếu an toàn.
Thứ hai, với sự phát triển như vũ bão của truyền thông và công nghệ, thật – giả lẫn lộn, các xu hướng làm đẹp không an toàn, cấp tốc rẻ tiền, phản khoa học đang trà trộn để kiếm tiền rất dễ dàng từ khách hàng.
Thứ ba, một thực trạng rất đáng lo lắng nữa là rất nhiều bạn trẻ, chủ Spa làm về những công nghệ thẩm mỹ nhưng chưa thực sự hiểu về nó, hiểu về bản chất, nguyên lý của công nghệ cũng như là ứng dụng công nghệ đó.
Ngoài ra họ cũng thiếu hụt rất nhiều về kiến thức chuẩn về da. Ngành Spa ở nước ngoài họ được đào tạo bài bản, nhưng ở Việt Nam ngành Spa chỉ đang được đào tạo ở các trường nghề, mà cũng chưa có trường nghề nào đào tạo đạt chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này. Do đó, khi các bạn chủ Spa thực hành các công nghệ thẩm mỹ cũng chưa làm chuẩn, làm khoa học để đạt hiệu quả cho khách hàng.
Đứng trước thực trạng như vậy, tôi và nhiều cộng sự rất trăn trở và mong muốn chuẩn hóa tri thức ngành da liễu thẩm mỹ để tạo ra cộng đồng làm đẹp khoa học, văn minh.
PV: Chị đã làm gì để thực hiện mục tiêu chuẩn hóa tri thức ngành da liễu thẩm mỹ ở Việt Nam?
Chuyên gia Tuyết Nhung: Đây là một công việc không hề dễ dàng nhưng tôi hi vọng sẽ “vá” được các lỗ hổng này. Tôi đã thực hiện công việc này hơn 3 năm, một thời gian chưa đủ dài nhưng cũng đã mang lại được những hữu ích cho các chủ Spa và cả người tiêu dùng.
3 lỗ hổng tôi vừa nói ở trên liên quan tới cả chủ Spa, người kinh doanh mỹ phẩm và người tiêu dung. Tuy nhiên, tôi chọn đào tạo cho các chủ Spa bởi họ là cầu nối để tôi truyền tải kiến thức làm đẹp chuẩn, khoa học đến với người tiêu dùng, nhân viên kinh doanh mỹ phẩm bởi các bạn ấy sẽ tạo ra được cộng đồng làm đẹp văn minh.
Khi đào tạo cho các chủ Spa, tôi luôn đặt các câu hỏi để biết các lỗ hổng của học trò để từ đó, các bài giảng của tôi cung cấp cho các học trò kiến thức nền tảng, các kỹ thuật chuyên môn thuần thục và quy trình vận hành chuyên nghiệp.
Với những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, tôi sẽ thẳng thắn đặt ra cho Spa những câu hỏi, đưa ra những lập luận, luận cứ xác thực giúp các bạn vừa nhận ra được những điều bất ổn trong lựa chọn, vừa có tiêu chí để lựa chọn những sản phẩm chất lượng cho dịch vụ của mình.
Tôi muốn trao gửi cho các học viên của mình ở vị trí chuyên gia tư vấn thẩm mỹ. Chia sẻ kiến thức, giáo dục khách hàng một cách chuẩn xác về kiến thức chuyên môn. Tôi “vá” những lỗ hổng mà các bạn đang mắc phải, tạo nên các chủ Spa chân chính, phù hợp với thời đại. Vì tôi biết rằng, đây là 1 ngành chân chính, ngành quan trong và sẽ tiếp tục phát triển.
Tôi bận rộn, miệt mài công việc này bởi tôi không muốn, mỗi ngày trôi qua sẽ lại có những khách hàng gặp phải hậu quả khôn lường khi bước chân vào những Spa kém chuyên môn hay mua phải những sản phẩm kém chất lượng. Tôi hi vọng, một ngày nào đó không xa, việc làm đẹp ở Việt Nam sẽ an toàn, hiệu quả, khoa học, văn minh.
PV: Để đặt ra mục tiêu đó và từng ngày thực hiện mục tiêu, chắc hẳn chị rất đam mê với lĩnh vực này?
Chuyên gia Tuyết Nhung: Thực ra tình yêu và đam mê với mỹ phẩm và làm đẹp của mình bắt đầu từ cơ duyên ‘làm trái nghề’. Tôi tốt nghiệp ngành cử nhân sinh học trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh. Khi ấy, mình khá mông lung về định hướng nghề nghiệp tương lai.
Tôi cũng tự nhận thấy việc làm trong môi trường viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm không thực sự phù hợp. Cơ duyên với lĩnh vực làm đẹp đến với mình khi mình thấy một hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Đức (BABOR) đang tuyển trưởng phòng đào tạo, mình quyết định ứng và trúng tuyển. Quyết định này chính là bước ngoặt đưa chị đến với ngành da liễu.
Nói là trái nghề nhưng công việc mình lựa chọn là ứng dụng của ngành công nghệ sinh học, liên quan nhiều đến kiến thức sinh – hóa mình được học. Do đó, khi bắt tay vào lĩnh vực này, tôi không quá bỡ ngỡ mà còn tận dụng, phát huy được những kiến thức của ngành.
Phương châm học tập và làm việc của tôi luôn là “học rộng, hiểu sâu, làm đúng”. Do đó, để làm tốt nhất cho công việc của mình, việc đầu tiên sau khi bước chân vào ngành là mình đi tu nghiệp ở bên Đức. Tôi được học và trải nghiệm rất nhiều về quy trình nghiên cứu, sản xuất ra một các công thức sản phẩm cao cấp. Tôi miệt mài học và nghiên cứu lúc đầu là để vượt qua nỗi nhớ nhà, dần dần khi học sâu về mỹ phẩm, về làm đẹp, mình bị cuốn hút đến mức đam mê.
Mỗi khi cầm trên tay một mỹ phẩm, tôi hào hứng ‘mổ xẻ’ xem loại mỹ phẩm đó được sản xuất như thế nào, chứa hoạt chất gì và công dụng thực sự ra sao. Còn với các công nghệ thẩm mỹ, tôi đào sâu nhất có thể về kiến thức nền tảng, các kỹ thuật chuyên môn để mang lại hiệu quả cao nhất.
Cũng vì đi rất sâu vào lĩnh vực này và tiếp cận với ngành làm đẹp trên thế giới, tôi nhận ra cả ưu điểm và mặt trái của lĩnh vực này, đặc biệt ở Việt Nam. Và nhiều năm nay tôi đang rất trăn trở trước những mặt trái này, vì nó ảnh hưởng tới nhan sắc, sức khỏe của người tiêu dùng Việt.
PV: Thông điệp mà chị gửi đến các học trò qua các khoa đào tạo là gì để học trò có thể lĩnh hội được cao nhất các kiến thức chị truyền tải?
Chuyên gia Tuyết Nhung: Tôi luôn nói với các học trò "Tri thức là cốt lõi, tâm nghề là la bàn và tiếp cận Công nghệ để phát triển".
Về kiến thức, tôi muốn các học trò “học rộng, hiểu sâu, làm đúng” bởi để bước chân vào nghề thì phải học bởi không ai tự nhiên biết làm nếu không học. Còn để làm việc đạt được hiệu quả, làm chân chính thì phải hiểu sâu, tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng và khi hành nghề, làm nghề thì phải làm đúng, đúng kỹ thuật, đúng lương tâm.
Về chuyên môn, tôi dặn các hoc trò: Ai chuyên môn gì thì làm đó. Các bạn học Spa, mở Spa thì các bạn chỉ nên và chỉ được làm chăm sóc da thôi. Không nên chạy theo lợi nhuận mà nhắm mắt làm liều xâm lấn. Vì không chuyên thì sẽ không thể hiệu quả được.
Tôi cũng nhấn mạnh tới học trò về pháp lý hành nghề. Làm Spa là chân chính, các bạn chuẩn bị đầy đủ cả chuyên môn và pháp lý để mở Spa, khi đó các bạn làm việc đàng hoàng, văn minh, chắc chắn sẽ gặt hái được thành công!
Xin cảm ơn chị và xin chúc cô giáo của các chủ Spa sức khỏe và ngày càng nhiệt huyết với mục tiêu chuẩn hóa tri thức ngành da liễu thẩm mỹ!