Cô gái lương 5 triệu ở Đà Nẵng chia sẻ 5 mẹo mua sắm thời trang vô cùng hợp lý

Loay hoay giữa Đà thành với mức lương 5 triệu tôi đã nghĩ làm thế nào để chi tiêu, mua sắm quần áo sao cho tiết kiệm nhất.

Là con gái, hẳn ai cũng tiêu tốn một số tiền cố định mỗi tháng cho mỹ phẩm, giày dép, quần áo và thậm chí là trà sữa. Có một điều tôi thường thấy là những cô bạn của mình, dù tủ đồ đầy ắp quần áo lúc nào vẫn than phiền rằng “Hôm nay chả có gì để mặc”.

Trước đây khi vừa mới tốt nghiệp, loay hoay giữa Đà thành với mức lương 5 triệu tôi đã nghĩ làm thế nào để chi tiêu, mua sắm quần áo sao cho tiết kiệm nhất.

Sau một thời gian, tôi nhận ra 5 cách này không chỉ giúp tôi tiết kiệm được tiền mà còn tạo ra lối sống giản đơn, hiệu quả.

1. Không xài hàng hiệu

Mặc dù rằng đồ hiệu thì sẽ xịn và tốt, tuy nhiên với mức lương 5 triệu tôi không thể mạo hiểm cho việc mua sắm đồ hiệu. Bởi tiền trọ, tiền điện nước, chi phí xăng cộ và linh tinh khác đã chiếm ⅔ thu nhập chính. Vậy nên ngay từ ban đầu tôi đã quán triệt tư tưởng không xài đồ hiệu.

Thay vào đó tôi chọn các món đồ bình dân, đơn giản. Ví dụ trang phục đi làm như áo sơ mi, chân váy, quần tây,... tôi sẽ chọn mua ở các shop quần áo uy tín tại thành phố nơi mình ở. Thường thì các món đồ tại shop sẽ chất lượng hơn so với đồ ngoài chợ.

Việc mua tại shop tôi sẽ được đảm bảo các chính sách có lợi cho mình, cụ thể là chính sách đổi trả (nếu hàng hóa bị lỗi), chính sách bảo hành, tích lũy điểm thưởng. Mức giá tôi phải trả cho 1 món đồ tại shop luôn dưới 300.000 đồng/món. Mỗi tháng tôi chỉ mua 1 hoặc 2 món đồ đi làm cần thiết.

Đối với những quần áo mặc hằng ngày tôi ưu tiên chọn những chất liệu thoáng mát, giá cả phải chăng. Chợ là nơi đầu tiên tôi thường nghĩ đến. Các món đồ tại chợ giá cả giao động khác nhau.

Với mình, tôi chỉ mua những bộ đồ mặc ở nhà với giá 100.000 đồng/bộ. Hơn nữa, khi trang phục đi làm có vẻ không còn mới thì tôi sẽ tận dụng nó mặc ở nhà hoặc biến tấu thành các vật dụng hữu ích khác.

2. Thanh toán bằng ví điện tử

Tôi cũng thỉnh thoảng mua quần áo online, tuy nhiên trước đó đã cân nhắc kỹ lưỡng các shop. Khi xác định được một vài shop ưng ý, tôi bắt đầu đọc review của khách hàng, tìm thông tin trên mạng xem mọi người đánh giá thế nào. Chính vì thế dù mua trên mạng hầu như món đồ nào cũng khiến tôi ưng ý.

Tôi thường mua hàng thông qua sàn thương mại và thanh toán bằng ví điện tử. Các app như Shopee, Lazada hay Tiki thường xuyên tung ra các voucher, mã giảm giá, mã freeship,... Nhờ tận dụng hiệu quả việc áp mã giảm giá mà tôi thường mua quần áo luôn rẻ hơn so với giá ban đầu của nó (cộng luôn cả chi phí ship hàng).

Thậm chí tôi còn áp dụng vào việc thanh toán tiền điện, internet cho gia đình, nạp card điện thoại hay mua sách... Tôi cũng không quên theo dõi các chương trình giảm giá vào dịp lễ Tết, Black Friday. Nên tôi thường mua được những món đồ mua với giá rất hời.

Nếu biết cách tận dụng Ví điện tử, bạn sẽ mua được những món hàng rất rẻ

Đơn cử chiếc áo khoác len cardigan bày bán tháng 10 năm ngoái có giá gốc 307.600 đồng. Song nhờ canh vào dịp Sale và áp mã freeship, tôi mua được mỗi chiếc váy với giá 173.000 đồng. Như vậy số tiền tôi trả cho chiếc áo len xinh xắn này rẻ hơn một nửa so với giá ban đầu (đã tính phí giao hàng).

3. Tối ưu trang phục

Với thu nhập cao thì có thể tôi sẽ suy nghĩ đến việc sắm nhiều loại trang phục khác nhau cho mục đích đi làm, đi cafe với bạn bè hay đi chơi. Để tiết kiệm chi phí mua sắm tôi đã tối ưu việc sử dụng quần áo. Nghĩa là khi mua một chiếc váy tôi sẽ cân nhắc xem nó có thể mặc đi làm hoặc đi cafe hay không. Tương tự sẽ có những mẫu áo thun rất hợp để đi chơi hoặc gặp gỡ bạn bè.

Mix-match quần áo để tạo nên một set đồ như mới

Mẫu đầm dài vintage, áo sơ mi cách điệu hay chân váy chữ A phù hợp với những dịp khác nhau. Do vậy tôi đã thay đổi luân phiên chúng khi đi ra ngoài. Bên cạnh đó tôi còn giữ gìn rất kỹ chiếc áo len, áo ấm. Những món đồ này khá mắc tiền, vì vậy tôi thường mặc một chiếc áo khoảng 2, 3 mùa đông mới đổi. Ví dụ như chiếc áo len họa tiết thổ cẩm này, tôi đã từng mặc nó trong cả hai mùa đông năm 2019 và 2020. Đến bây giờ nó vẫn còn mới và được gấp phẳng phiu trong chiếc tủ vải.

Việc ít mua sắm quần áo mới không có nghĩa là bạn mặc đi mặc lại một chiếc áo đó. Cách mà tôi làm mới trang phục mà mix-match chúng lại để tạo nên một set đồ như mới. Ví dụ một chiếc áo thun tôi có thể kết hợp với quần baggy jean hoặc quần jean yếm. Hay chân váy chữ A có thể kết hợp với áo thun hoặc áo sơ mi.

4. Sale lại ở shop second hand

Tại Đà Nẵng nơi tôi đang sống có rất nhiều shop thu nhận thanh lý quần áo cũ, trong đó Give Away khá nổi tiếng với nhiều chi nhánh khắp tỉnh thành. Chỉ cần đồ bạn không quá cũ và còn có thể sử dụng được, các shop sẽ nhận bán hộ và thu phần trăm lợi nhuận. Với một lần thanh lý tầm 6-8 món đồ, tôi nhận được từ 200 - 300k.

Chiếc áo len họa tiết thổ cẩm được dùng trong 2 mùa đông

Thật ra thì các món đồ cũ có giá không quá cao, tuy nhiên nó có thể mang lại cho tôi một số tiền đủ để mua một chiếc váy mới. Trường hợp quần áo của bạn là hàng của brand nổi tiếng, mức giá bán lại sẽ cao hơn rất nhiều. Tôi từng gặp một vài người bạn thu về tầm 1 triệu cho một lần thanh lý.

Sale lại đồ cũ không chỉ giúp tôi giải quyết chỗ quần áo cũ không dùng đến, lại có thêm thu nhập nho nhỏ cho việc mua sắm. Tại các cửa hàng Give Away, tôi còn có thể quyên góp đồ dùng khác như túi xách, balo, mũ nón hay thậm chí quần áo cho từ thiện.

5. Mua quần áo second hand

Mọi người thường nghĩ đồ second hand thường là chất lượng kém. Nhưng không phải thế, có nhiều shop đồ second hand bán đồ còn mới đến 90% không thua gì hàng mới. Những mẫu quần áo hoặc váy second hand được nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản không chỉ hiếm, đẹp mà còn độc lạ. Hơn nữa giá tiền của các món đồ chỉ dưới 300.000 đồng.

Khi mua quần áo kiểu này thường tôi sẽ đi mua trực tiếp và xem rất kỹ. Vì đồ đã qua sử dụng đôi khi sẽ dính các vết ố hay vết bẩn. Đồ second hand nếu rộng một chút thì vẫn có thể sửa lại được. Quan trọng tips mua hàng này sẽ giúp bạn tậu được một món đồ đẹp mà giá lại rẻ bèo.

Đây là những kinh nghiệm mua sắm quần áo của tôi sau khi tốt nghiệp và nhận mức lương 5 triệu đồng/tháng. Hiện tại tôi không còn nhận mức lương đó, tuy nhiên bí kíp mua sắm đó vẫn được tôi áp dụng đều đều. Nó không chỉ là cho việc ăn bận của mình đơn giản hơn mà còn giúp tôi tiết kiệm được chi phí để đầu tư vào mục đích khác.

Người dự thi: Dương Nguyễn (26 tuổi, TP. Đà Nẵng)

Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY


Tin liên quan