Kiến thức hạn hẹp, lại hỏi thông tin không kỹ khiến việc kế hoạch hoá gia đình của người miền núi liên tục... vỡ kế hoạch. Rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười đã diễn ra.
“Tại sao tôi làm đúng như hướng dẫn, đeo bao cao su mà vẫn có bầu?”, “Tại sao em đặt vòng rồi mà vẫn bị chậm kinh, thử que lại lên 2 vạch?”, “em đặt vòng, chồng cũng không có nhà hơn một tháng mà vì sao lại vẫn có thai?”… là những câu hỏi mà nhiều chị em phụ nữ đặt cho nữ hộ sinh Lê Thị Phương Thảo - nhân viên y tế Trạm Y tế xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Chị Thảo kể, chị làm ở trạm được 10 năm, 3 năm gần đây, trạm y tế có dự án hỗ trợ sức khoẻ sinh sản người dân, chị được phụ trách phòng Tư vấn Tình chị em của Trạm. Cũng từ đây, chị đã gỡ rối cho biết bao vướng mắc của người dân trong khu vực và vùng lân cận.
Phần lớn chị em phụ nữ đến tìm hiểu cách phòng tránh thai, tâm sự về mâu thuẫn gia đình và giữ gìn sức khoẻ sinh sản. Và đặc biệt, nhiều lần bị chị em đến “bắt đền” khi họ có bầu.
“Một lần, chị vợ họ Triệu người dân tộc Tày ở xã Hoàng Thắng đến tìm tôi nhờ tư vấn. Chị này kể, hai vợ chồng có một cháu nhưng hoàn cảnh khó khăn nên không muốn đẻ nữa nên chị tìm đến để nghe tư vấn phương pháp kế hoạch.
Nhưng uống thuốc thì chị này hay quên, đặt vòng chị cũng không chịu, về sau, chị này chọn dùng bao cao su. Tôi lấy mô hình ra hướng dẫn cách đeo bao cho chị này xem”, chị Thảo chia sẻ.
Nhưng không rõ vì sao, một thời gian ngắn sau chị này tìm đến chị Thảo “bắt vạ” vì chậm kinh mất cả tuần. “Chị này dân tộc thiểu số nên giọng ngây ngô lắm, đến nói gay gắt vì sao đã làm đúng như hướng dẫn, đeo bao khi quan hệ mà vẫn có thai.
Hỏi ra, vợ chồng này không đeo bao ngay từ đầu mà khi chồng gần xuất tinh họ mới đeo vào!”, chị Thảo cho biết.
Cũng vướng mắc trong câu chuyện bao cao su, một cặp vợ chồng trẻ 18 tuổi đến bắt đền chị Thảo vì đã nghe hiệu thuốc dặn nhưng vẫn có em bé. Cụ thể, khi đi tìm một phương pháp “tránh có bầu”, cặp vợ chồng ra hiệu thuốc mua bao cao su.
Không rõ tại đây, nhân viên không chịu tư vấn hay nói không cụ thể, cặp vợ chồng này về vẫn sử dụng bao cao su. “Thế nhưng họ lại đeo vào tay chứ không phải vào dương vật của người đàn ông!”.
Thành ra, bao cao su vẫn đeo nhưng bầu vẫn không tránh nổi. Cặp vợ chồng dắt díu nhau lên Trạm y tế xã Báo Đáp nhờ các nữ hộ sinh “giải quyết” và kế hoạch lại. Chị Thảo buộc phải lấy mô hình, dạy họ cách xé bao, luồn bao cho đúng và giải đáp tỉ mỉ tránh trường hợp cặp vợ chồng trẻ lại quên.
Cũng trong thời gian hoạt động, ở phòng tư vấn Tình chị em, phần lớn xoay quanh những câu chuyện tránh thai ra sao, tìm phương pháp nào phù hợp.
Tuy nhiên, do nhận thức người dân, nhất là người dân tộc thiểu số còn thấp, nhiều khi do ngại ngùng không hỏi kĩ nên thường vướng vào một số sai lầm tai hại. Trong đó, bao cao su chỉ là một nhánh của câu chuyện.
“Có trường hợp chị này đến đặt vòng, hầu như ai đến, tôi cũng yêu cầu họ cần thử quick-test có thai. Tuy nhiên nhiều người không hiểu, sợ mình bán test thử thai lấy tiền nên lấy cớ mới sạch kinh nguyệt vài hôm.
Là người cùng xóm, vì nể nang, nên ngại, tin tưởng các chị. Tôi cũng tiến hành đặt vòng cho các chị. Nhưng tự dưng có hôm, một bạn gái đến thắc mắc vì sao đặt vòng mà vẫn có thai là thế nào? Xong biện lý do, chồng đi vắng cả tháng rồi nhưng thử que vẫn lên 2 vạch.
Mình gặng hỏi, vặn vẹo mãi họ mới chịu khai thật. Thế nên, nhiều chị em đến đặt vòng mà vẫn có thai ở đây là chuyện thường”, chị Thảo kể.
Ngoài những câu chuyện hài hước, quãng thời gian làm việc tại Trạm Y tế xã, chị Thảo cũng chứng kiến những câu chuyện đầy trăn trở.
Từ việc Trạm có phòng thực hiện thủ thuật phá thai, chứng kiến những em học sinh chập chững giải quyết hậu quả. Hay mỗi lần đỡ đẻ, nhìn những người chồng người vợ khó khăn, nghèo đói nhưng đầy tình cảm, chăm sóc lẫn nhau.
“Có lần, một cháu học sinh lớp 8, vẫn mặc đồng phục cấp 2 đến nhờ tôi phá thai. Cháu nói, muốn nhờ giải quyết vì thử que đã lên 2 vạch. Hỏi ra, đối tác của bạn này mới chỉ học lớp 11.
Với hoàn cảnh khi đó, bỏ học lấy chồng cũng khó mà phá thai cũng là nỗi trăn trở. Sợ từ chối, cháu tìm đến phòng khám tư nhân không đảm bảo, tôi động viên cháu nói chuyện với bố mẹ trước.
Hôm sau, cháu cùng mẹ đến Trạm, dẫn theo cả người yêu. Vì không muốn con gái bỏ học sớm, bà mẹ cũng quyết định phá thai cho cháu nhỏ đó.
Ở tình huống đó, nếu người đối tác của cháu trưởng thành có lẽ tôi sẽ khuyên cháu gìn giữ nhưng cả 2 trẻ quá, đều đi học nên buộc lòng chấp thuận theo yêu cầu của gia đình”, chị Thảo kể.
Giữa muôn vàn những câu chuyện trớ trêu ấy, nhưng với chị Thảo, suốt quãng thời gian làm tại Trạm, nhiều lần chị chứng kiến tình cảm chân thật, thương yêu của người chồng dành cho người vợ, kể cả khi họ vô cùng nghèo khó.
“Đó là câu chuyện về đôi vợ chồng người dân tộc, họ sống ở xã bên kia sông. Trạm y tế đó không có nữ hộ sinh nên tìm qua xã tôi để chờ đẻ. Lúc người vợ đau đẻ, anh chồng trẻ tầm ngoài 20 cứ loay hoay hỏi han, chia sẻ.
Khi vợ đẻ xong, mọi người dặn qua cửa hàng tạp hoá mua ít sữa để vợ uống cho hồi sức. Nhìn anh ta loay hoay không biết cắm ống hút vào đâu, mãi mới biết, nhà họ khó khăn quá, chưa có trẻ nhỏ bao giờ, cũng chưa bao giờ được uống sữa nên không biết dùng.
Nhưng nhìn cách người chồng chăm sóc vợ, dù họ có khó khăn đến mấy, tôi từng ước được như cô vợ trẻ đó!”, chị Thảo nhớ lại.