Chuyên gia đầu ngành sản khoa giải thích: Vì sao trong điều trị sản phụ khoa hay có sự nhầm lẫn thuốc chết người?

“Trong ngày y, có nhiều loại thuốc có tên biệt dược gọi na ná như nhau. Đó là lý do mà cả nhân viên y tế và bệnh nhân nhầm lẫn tên thuốc này với thuốc khác, dù công dụng trái ngược hẳn nhau” – GS.TS. Vương Tiến Hòa, Hội Phụ sản Việt Nam cho hay.

Xem thêm

Theo GS.TS. Vương Tiến Hòa: “Nhầm lẫn thuốc là chuyện xưa như trái đất và ở đâu cũng có. Chính vì vậy mà ngành y chúng tôi hay nói 3 tra 3 đối. Tức là khi phát thuốc cho bệnh nhân có kiểm tra đúng hay không, đối chiếu tên thuốc, đối chiếu hàm lượng có đúng không”.

Thuốc dưỡng thai Miprotone và thuốc phá thai Misoprostol dễ bị nhầm lẫn do có tên khá giống nhau

Trong ngành sản phụ khoa, thuốc hay nhầm lẫn nhất có lẽ là thuốc dưỡng thai Miprotone và thuốc phá thai Misoprostol. Nguyên nhân là bởi cách đọc tên thuốc na ná giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn cho cả nhân viên y tế và người bệnh.

Mới đây nhất là vụ việc tại Bệnh viện FV TP. Hồ Chí Minh, một sản phụ vào khám thai bị kê nhầm thuốc dẫn đến sảy thai. Hay như cách đây vài tháng, vụ cấp nhầm thuốc phá thai cho 3 sản phụ khiến 1 sản phụ sảy thai ở Tiền Giang gây xôn xao dư luận.

GS Vương Tiến Hòa giải thích, thuốc dưỡng thai và thuốc phá thai có cơ chế trái ngược hẳn nhau. Với các thuốc dưỡng thai, cơ chế của chúng là làm mềm cơ tử cung, không gây cơn co tử cung, giúp cho niêm mạc tử cung phát triển tốt hơn để nuôi dưỡng thai. Hay có thể hiểu nôm na là những thành phần trong thuốc hỗ trợ cho thai phát triển nên người ta gọi là dưỡng thai.

Còn thuốc Misoprostol mà mọi người quen gọi là thuốc phá thai có cơ chế kích thích cơ tử cung co bóp, làm chín muồi cơ tử cung, kích thích tử cung mở ra, mềm ra để đẩy các tổ chức trong tử cung ra ngoài.

Thông thường, người ta sử dụng thuốc kích thích tử cung này để phá thai. Nhưng trong rất nhiều trường hợp thuốc này được sử dụng để đẩy các chất độc có trong buồng tử cung ra ngoài như sót rau thai, độc máu, độc dịch…

2 thuốc có tác dụng trái ngược hẳn nhau và nếu dùng nhầm lẫn gây hỏng thai là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hỏng thai do thuốc Misoprostol là chưa đủ, mà còn nhiều nguyên nhân tác động như tâm lý, tình trạng sức khỏe, cơ địa của thai phụ…

Ngoài ra, còn có trường hợp bệnh nhân cho là nhân viên y tế nhầm lẫn thuốc nhưng thực tế lại không phải như vậy.

GS.TS. Vương Tiến Hòa, Hội Phụ sản Việt Nam

“Có một số thuốc chống chỉ định trong khi có thai nhưng trong chuyên môn chúng tôi vẫn sử dụng được. Bởi vì trong kinh nghiệm điều trị của nhiều bác sĩ giỏi, với trường hợp thai phụ bị thai chết lưu nhiều, niêm mạc tử cung không tốt, thì người ta lại sử dụng thuốc được cho là chống chỉ định đó để giúp niêm mạc tử cung phát triển nhiều hơn, để đón thai về làm tổ nhiều hơn.

Tuy nhiên, những trường hợp như vậy tùy từng chỉ định và kinh nghiệm của mỗi bác sĩ. Và muốn như thế phải có đầy đủ các xét nghiệm, kinh nghiệm điều trị, sử dụng thuốc của người thầy thuốc.

Đặc biệt, trong quá trình điều trị có đạt hiệu quả như mong muốn hay không còn phụ thuộc kinh nghiệm nghề nghiệp của từng thầy thuốc và điều kiện đáp ứng của cơ thể người bệnh. Có thể người này đáp ứng với thuốc và cách điều trị như vậy nhưng người khác lại không” – GS Vương Tiến Hòa chia sẻ.

Vậy nên, để tránh nhầm lẫn và đạt hiệu quả cao trong quá trình điều trị bệnh, cả nhân viên y tế và người bệnh đều phải thận trọng và xây dựng được niềm tin giữa 2 bên.

Nhân viên y tế phải có chuyên môn, có kinh nghiệm, nắm rõ tình trạng của bệnh nhân để biết được trường hợp này thì nên sử dụng thuốc gì, liều lượng ra sao, đường dùng như nào?...

Còn với người bệnh, khi đi thăm khám cần chú ý lắng nghe những điều nhân viên y tế tư vấn, dặn dò, đọc kỹ những thông tin nhân viên y tế viết trên giấy. Và nếu có điều chưa hiểu rõ, nghi ngờ về đơn thuốc và cách điều trị thì cần hỏi lại để được hướng dẫn và làm đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan