Chuyên gia đầu ngành quân y hướng dẫn 3 cách hạ nhiệt cơ thể nhanh nhất trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm

'Có những bệnh nhân bị đột quỵ do nắng, nhiệt độ cơ thể lên đến 41 độ C và rơi vào trạng thái hôn mê dù ngay lập tức được chuyển thẳng đến bệnh viện gần nhất cấp cứu. Song bệnh nhân vẫn không thể cứu chữa...Vì vậy, việc sơ cấp cứu ban đầu cực quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng cho nạn nhân'

Thiếu tướng, TS. Vũ Quốc Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện 354, nguyên Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc Phòng), Chủ biên cuốn sách "Phòng chống tác động do nắng - nóng đến sức khỏe" đã nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Gia Đình Mới ngày 3/7/2018.

PV: Là một trong những chuyên gia đầu ngành của quân y Việt Nam nghiên cứu về tác động của nắng - nóng đối với sức khỏe, xin bác sĩ có thể cho biết ảnh hưởng của nắng - nóng quá mức đến hoạt động của con người nói chung và các quân nhân nói riêng như thế nào?

Thiếu tướng, TS. Vũ Quốc Bình: Tác động của nắng - nóng đối với sức khỏe, hoạt động của con người là một vấn đề lớn không chỉ với các quốc gia có khí hậu nhiệt đới mà còn ở cả các quốc gia ôn đới, có năm hàng trăm người tử vong trong các đợt nắng nóng.

Còn trong lịch sử ngành quân sự thế giới có ghi nhận nhiều trường hợp, trong đó điển hình là nắng - nóng đã khiến toàn bộ lực lượng quân sự Ai Cập hành quân sang Israel đã bị say nắng - say nóng ở các mức độ khác nhau và bị mất sức chiến đấu của khoảng 2.000 lính (vào năm 1967).

Say nắng - say nóng thường xảy ra ở những người trẻ tuổi do cơ thể dễ nhạy cảm, chưa thích nghi, chưa quan luyện tập, nhất là đối với những người làm việc trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt, tính kỷ luật chưa cao (huấn luyện quân sự và gắng sức trong thể thao).

Hiện nay, đột quỵ do nóng khi gắng sức được ghi nhận đứng hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong ở các vận động viên. Người ta thấy rằng, đột quỵ do nóng thường gặp ở các hoạt động đòi hỏi sức bền như chạy marathon, các môn thể thao phối hợp hay những công việc có cường độ lao động cao ngoài trời... 

Như vậy, khi phải làm việc trong điều kiện phơi nhiễm với môi trường nắng nóng, đặc biệt là nóng ẩm, cơ thể có nguy cơ bị tổn thương do nóng. Đó là tình trạng sinh nhiệt nội sinh hoặc ngoại sinh vượt quá khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể trong việc duy trì cân bằng nội môi. Tùy theo rối loạn chức năng từ mức độ tế bào, đến tổ chức, cơ quan mà dẫn đến những biểu hiện bệnh lý khác nhau.

Hiện nay, một số khái niệm tổn thương do nắng - nóng (thường gọi là say nắng - say nóng) có các mức độ khác nhau: mức độ nhẹ nhất là choáng váng; mức độ vừa biểu hiện kiệt sức; mức độ nặng biểu hiện đột quỵ.

PV: Vậy câu chuyện nắng - nóng ở Việt Nam thì sao, thưa bác sĩ?

Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhất là đối với khu vực miền Bắc, năng lượng bức xạ tổng cộng thu được lên đến 130-135 kcalcm2/năm. Thực tế cũng đã ghi nhận có những trường hợp tử vong đáng tiếc liên quan đến nắng - nóng.

Những đồng nghiệp tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện 108 của tôi từng chia sẻ, họ đã phải tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân chết đau đớn chỉ vì đột quỵ do nắng nóng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy đa phủ tạng, hỗ trợ bằng mọi cách, có khi lọc máu nhưng không giúp ích được gì.

(Ảnh có tính chất minh họa)

Đã có những bệnh nhân bị đột quỵ do nắng, nhiệt độ cơ thể lên đến 41 độ C, hôn mê, dù ngay lập tức được gọi xe cấp cứu, chuyển thẳng đến bệnh viện gần nhất nhưng bệnh nhân vẫn không thể cứu chữa.

Về sau, chúng tôi nghiên cứu ra, cần phải sơ cấp cứu ngay ban đầu cho nạn nhân. Điều đó vô cùng quan trọng trong bảo vệ tính mạng họ.

PV: Bác sĩ có thể nói cụ thể hơn cách sơ cấp cứu cho nạn nhân khi bị say nắng - nóng?

Bên cạnh phòng tránh say nắng - nóng bằng việc uống đủ nước, che chắn kỹ càng trước khi ra ngoài trời thì việc nắm rõ phương pháp sơ cấp cứu khi say nắng - nóng có vai trò cực kỳ quan trọng.

Bởi vì, diễn biến của nắng - nóng  lên cơ thể rất nhanh và nặng nề, nhất là ở thể suy kiệt do nắng nóng, nếu không kịp hạ thân nhiệt, nó có thể dẫn tới tình trạng đột quỵ, nhiệt độ lõi cơ thể tăng cao gây ra suy đa phủ tạng, tổn thương thần kinh và rất dễ tử vong như tôi đã nói ở trên.

Do đó, việc làm mát nhanh, hạ nhanh nhiệt độ lõi cơ thể xuống dưới 39 độ C trong vòng 30 phút sớm khi phát hiện bệnh sẽ làm tăng khả năng sống sót của nạn nhân. Cụ thể gồm 3 cách sau:

1. Xịt nhiều nước mát lên cơ thể

Theo đó, cách làm mát đơn giản nhất, nhanh nhất, hiệu quả mà mọi người có thể áp dụng là xịt nhiều nước mát trực tiếp lên các vùng da hở để hạ nhiệt. Mọi người có thể sử dụng quạt để tăng khả năng bay hơi nước giúp cho quá trình làm mát được dễ dàng. 

Các vị trí chườm lạnh để hạ nhiệt nhanh nhất

Song song, cần sử dụng túi nước đá đặt vào trán, đầu, nạch, bẹn và cổ cũng được khuyến cáo để đẩy nhanh quá trình hạ nhiệt, làm mát cơ thể. 

2. Ngâm vào nước đá (chỉ áp dụng với người trẻ tuổi)

Ngoài ra, người thân có thể sơ cứu cho nạn nhân bằng việc ngâm toàn bộ cơ thể bệnh nhân bị tác động do nắng - nóng vào nước đá. Tuy nhiên, ngâm người vào nước lạnh xử lý đột quỵ do nóng chỉ nên áp dung với người trẻ tuổi, có sức khỏe. 

Chườm đá lạnh chỉ nên áp dụng với người trẻ tuổi, không áp dụng với người già và trẻ nhỏ

Lưu ý, việc ngâm mình vào nước đá này ít phù hợp với người cao tuổi vì nhóm đối tượng này có nguy cơ dễ mắc bệnh lý khác và có nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tử vong tăng lên.

 Chưa kể, các nghiên cứu ban đầu cho thấy, nhược điểm của phương pháp này thường kém vệ sinh do nạn nhân đột quỵ thường đi kèm với nôn và tiêu chảy, khó theo dõi, khó kiểm soát trạng thái tinh thần nạn nhân và cần để phòng nạn nhân sặc nước.

3. Sử dụng hơi nước và quạt mạnh

Ngoài ra, có thể làm giảm thân nhiệt bằng cách cho bay hơi nước dựa trên phương pháp dùng khăn thấm ướt nước có pha tỉ lệ cồn nhẹ xoa lên bề mặt da vùng ngực, lưng, trán, đùi… Nước có cồn loãng bay hơi rất nhanh, là cách rất tốt giúp cơ thể thải nhiệt.

Xịt hơi nước góp phần hạ thân nhiệt tốt nhất

Cùng với đó, có thể làm giảm thân nhiệt bằng cách phun nước dưới dạng xịt liên tục lên da kết hợp quạt gió để tạo ra không khí ẩm, khô quanh da để thúc đẩy quá trình  bay hơi nước. Bởi vì, nắng nóng, độ ẩm không khí cao, bão hoà khiến da dường như không thể toát mồ hôi. Chính vì vậy, gần như gây “tắc” quá trình thải nhiệt của cơ thể.

Mặc dùng phương pháp làm mát kể trên có thể tốc độ chậm hơn so với ngâm nước đá nhưng có độ an toàn cao, dễ thực hiện, tính khả thi cao. Tuy nhiên, nếu độ ẩm không khí quá cao cần tăng quạt gió để đẩy hiệu quả bay hơi mồ hôi. 

PV: Thưa bác sĩ, hiện có hiện tượng là nhiều người khi cảm thấy bị mất nước thì tự ý truyền dịch tại nhà (không theo chỉ định của nhân viên y tế có chuyên môn), bác sĩ ?

Việc truyền dịch (hay chúng ta vẫn gọi là tiếp nước) có thể coi là một trong những cách cung cấp nước. Tuy nhiên, với tình trạng nắng - nóng như hiện nay, đó không phải hành động số 1. Chưa kể, việc sử dụng một cách quá bừa bãi tại nhà có thể gây nguy hiểm hoặc biến chứng như sốc phản vệ. 

PV: Vậy nhiều người có thói quen đang đứng, làm việc dưới nắng nóng thì tạt, dội nước vào đầu vào người để hạ nhiệt, liệu cách này có đúng không, thưa bác sĩ?

Riêng với việc hất lập tức nước mát vào cơ thể, nếu người đó lại ở nơi kín gió còn nguy hiểm hơn rất nhiều.

Cũng đã có nghiên cứu chỉ ra, ngay cả  khi thả cả người vào một bể nước đá cũng không tốt, không hạ nhiệt nhanh bằng việc xịt hơi nước hoặc đắp vào các vùng hở như tôi nói trên. 

Điều quan trọng trong xử lý say nắng, say nóng, đó chính là cần một môi trường thoáng khí, quạt gió giúp lưu thông không khí và có hơi nước và việc dự phòng tốt nhất bằng cách uống đủ nước. 

Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

K.T- H.N/giadinhmoi.vn

Tin liên quan