TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: “Nhiều người cho rằng thời tiết mùa đông lạnh giá mới làm tăng nguy cơ mắc và tái phát bệnh lý tim mạch.
Nhưng thực tế thăm khám tôi nhận thấy, thời tiết nóng bức mùa hè cũng làm cho số người vào viện khám và điều trị bệnh lý tim mạch tăng lên. Thậm chí, có nhiều người bệnh phải vào viện cấp cứu vì tình trạng bệnh nặng và không ít trường hợp tử vong vì đột quỵ não”.
Lý giải về nguyên nhân gây ra thực trạng nhiều bệnh nhân tim mạch phải nhập viện trong ngày hè nắng nóng, bác sĩ Thủy phân tích, nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ môi dẫn đến mất nước. Nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau xanh, hoa quả thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải. Mất nhiều nước sẽ ảnh hưởng đến hệ tim mạch, làm tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt…
Một nguyên nhân nguy hiểm nữa được vị chuyên gia tim mạch này chỉ ra là do chế độ sinh hoạt hàng ngày của người bệnh không hợp lý. Nhất là thói quen đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay cho mát hoặc ra vào phòng điều hòa, từ trong xe ô tô bước ra ngoài trời nắng đột ngột... Thói quen sinh hoạt tai hại này có thể gây viêm họng, viêm mũi, nặng hơn có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi…
Tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột còn gây tổn hại đến trung khu thần kinh, với các biểu hiện nhẹ là lờ đờ, mệt mỏi, nói lắp, đau đầu, chóng mặt; nặng thì nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, có thể dẫn đến trạng thái hôn mê, đột quỵ.
Hơn nữa, nhiều bệnh nhân tim mạch nghĩ rằng bệnh thường tái phát, nguy hiểm vào mùa đông lạnh nên trong mùa hè họ lười đi khám, bỏ thuốc huyết áp, không tuân thủ điều trị nên dẫn tới bệnh tái phát, gây biến chứng nguy hiểm.
Để phòng bệnh mùa nắng nóng, TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy khuyến cáo, người cao tuổi, người đang có bệnh lý về tim mạch cần hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ. Trong quá trình điều trị bệnh cần tuân thủ việc uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Trong sinh hoạt hàng ngày phải uống đủ nước (từ 1,5 đến 2 lít nước/ngày) và không nên chờ khi có cảm giác khát mới uống, bổ sung thêm nước hoa quả và tuyệt đối không uống nước có gas, có cồn.
Chế độ ăn uống cần bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng, các loại rau tươi, trái cây để tăng sức đề kháng, hạn chế các chất kích thích, các thực phẩm nhiều đạm, muối, thực phẩm chế biến sẵn.
Trong những ngày thời tiết nắng nóng cần tránh ra ngoài trời nắng trong khoảng từ 10 giờ đến 16 giờ, vì đây là thời điểm nắng gắt nhất trong ngày. Sử dụng quạt, điều hòa để làm mát không khí, nhưng không nên để điều hòa chênh lệch vượt quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời, tốt nhất là ở mức từ 25 đến 27 độ C. Khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Bệnh nhân tim mạch đừng bỏ qua những lời khuyên của bác sĩ trong mùa nắng nóng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].