Chuyện chưa kể về những ca dở khóc dở cười ở Trung tâm cấp cứu 115 ngày giáp Tết

“Reng, reng, reng…” – tiếng còi báo động tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội vang lên là ngay lập tức một ekip gồm một bác sĩ, một điều dưỡng và một lái xe phải có mặt ngay để đến hiện trường chấp hành nhiệm vụ cứu người.

Tiếng còi báo động vang lên là ekip cấp cứu phải nhanh chóng có mặt để đến hiện trường thực hiện nhiệm vụ

Hoạt động này diễn ra liên tục 24/24 giờ tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Và càng những ngày cận Tết như 29, 30 Tết thì hoạt động của Trung tâm càng diễn ra sôi động hơn.

Hoạt động cấp cứu diễn ra sôi động trong những ngày cận Tết

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, bác sĩ Hoàng Văn Hải (Đội trưởng đội 3, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết: Thời điểm cận Tết người dân tổ chức tiệc tất niên nhiều nên số lượng ca cấp cứu do ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm tăng lên.

Bên cạnh đó, cũng vì lý do uống rượu, bia nhiều nên số ca cấp cứu do tai nạn giao thông cũng tăng hơn so với ngày thường.

Bệnh nhân bị tăng huyết áp, đột quỵ gia tăng trong những ngày cận Tết lạnh giá

Ngoài ra, thời tiết miền Bắc thường lạnh và khắc nghiệt vào mùa đông, trong đó có dịp cận Tết. Chính điều này cũng làm cho số bệnh nhân bị đột quỵ gia tăng, bệnh nhân đang mắc một bệnh nào đó cũng bị tình trạng bệnh nặng hơn do không đủ sức chống chọi với thời tiết lạnh giá.

Cường độ cấp cứu lớn, với khoảng trên 100 ca/ngày làm các nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội phải làm việc liên tục, thậm chí có những người cùng trực ngày hôm đó nhưng không gặp được mặt nhau vì người này đi thì người kia về.

Những tình huống nhầm lẫn dở khóc dở cười thường xuyên diễn ra do công việc cứu người đòi hỏi sự gấp rút

Yêu cầu công việc đòi hỏi nhanh chóng, gấp rút nên không ít nhân viên cấp cứu 115 gặp phải tình trạng dở khóc dở cười là đi nhầm giầy, dép của người nhà bệnh nhân.

Sau thời khắc gấp rút cấp cứu cho ca bệnh, mặc dù họ phát hiện ra sự nhầm lẫn này nhưng hoàn cảnh công việc không cho họ thời gian để thay đổi một đôi dép mới. Và rồi, vẫn đôi dép cộc lệch đó, họ lại tiếp tục công việc cứu người diễn ra suốt 24 giờ.

Những khó khăn, vất vả của các bác sĩ, nhân viên cấp cứu 115 không chỉ dừng lại ở cường độ làm việc cao mà còn ở đặc thù công việc cấp cứu ngoài hiện trường.

“Chúng tôi rất dễ bị nguy hại đến sức khỏe, tính mạng nếu gặp phải ca cấp cứu là trường hợp sốc ma túy, ngáo đá, ngộ độc thuốc phiện, say rượu…

Với những người phụ nữ, công việc cấp cứu càng trở nên khó khăn gấp bội

Với phụ nữ, hoặc những người lớn tuổi công việc cấp cứu càng khó khăn gấp bội. Bởi, ngoài việc sơ cứu ban đầu cho người bệnh, chị em còn phải chuyển bệnh nhân từ nhà/hiện trường lên xe và rồi từ xe vào phòng cấp cứu của bệnh viện để bàn giao” – bác sĩ Hải chia sẻ.

Tâm sự về công việc của mình, bác sĩ Khanh, năm nay 59 tuổi, có thâm niên công tác lâu năm tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho hay: “Bác sĩ, điều dưỡng làm cấp cứu không chỉ cần chuyên môn y khoa tốt mà còn phải có sức khỏe, nhanh nhẹn ứng biến trong từng hoàn cảnh.

Nêu không có sức khỏe thì sáng nay tôi và đồng nghiệp không thể chuyển một bệnh nhân nặng gần 70kg từ tầng 5 chật hẹp xuống xe và đến bệnh viện cứu chữa kịp thời”.

Công việc khó khăn vất vả đêm hôm nhưng nhân viên cấp cứu thường ít được người dân tôn trọng

Công việc khó khăn, vất vả là thế nhưng nhân viên cấp cứu 115 lại ít được mọi người tôn trọng. Chia sẻ của một bác sĩ tại trung tâm cho hay “nhiều người gọi chúng tôi đến không phải vì mục đích cấp cứu ban đầu cho người thân của họ mà họ coi chúng tôi như người vận chuyển, cửu vạn để chuyển người thân họ đến bệnh viện.

Trong khi đó, để người nhà họ an toàn chuyển đến viện chúng tôi đã kiện sức để bóp bóng sơ cứu, điều trị triệu chứng ban đầu. Nhưng tất cả những điều đó họ mặc nhiên bỏ qua, nhiều người còn tỏ thái độ không tôn trọng.

Chuyển bệnh nhân xuống những cầu thang cao, nhỏ hẹp làm nhiều nhân viên cấp cứu phải kiệt sức

Đặc biệt có những người rảnh rỗi sinh nông nổi gọi điện đến tổng đài của chúng tôi để trêu chọc, nói năng linh tinh, thậm chí văng tục chửi bậy…

Những số điện thoại gọi đến kiểu như vậy chúng tôi không nghe thì lại bị phản ánh lên ban lãnh đạo là không tiếp nhận điện thoại khi người dân cần…”.

Tuy nhiên, bên cạnh những người có thái độ ứng xử thiếu văn minh đó còn có rất nhiều người trân trọng và biết ơn công lao của nhân viên cấp cứu 115.

Chính nhờ sự nhiệt tình, chuyên nghiệp, kịp thời của nhân viên cấp cứu 115 mà họ được vui vẻ đón Tết với người thân.

Bệnh nhân Hoàng Chấn Long được bác sĩ Cấp cứu 115 sơ cứu và chăm sóc

Đó cũng là câu chuyện cấp cứu bệnh nhân Hoàng Chấn Long, nhà ở Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội, diễn ra vào đêm 29 Tết.

Bệnh nhân Long bị tiền sử đái tháo đường nhưng vì ăn uống kiêng khem quá mức, không tuân theo y lệnh của bác sĩ dẫn đến bị tụt đường huyết trầm trọng, bệnh nhân rơi vào hôn mê và làm cho cả gia đình hốt hoảng.

Người nhà bệnh nhân Long gọi cấp cứu 115 khoảng 15 phút thì ekip bác sĩ, điều dưỡng có mặt. Nhanh chóng hỏi bệnh sử, kiểm tra sức khỏe của người bệnh và điều trị triệu chứng kịp thời.

Nhờ sự cấp cứu kịp thời, chính xác của bác sĩ mà bệnh nhân Long nhanh chóng vượt qua nguy hiểm

Sau khoảng 20 phút cấp cứu, bệnh nhân Long tỉnh táo, nói chuyện trở lại bình thường. Trong niềm vui và hạnh phúc khi người thân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, người nhà bệnh nhân rối rít cảm ơn bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.

Nụ cười hạnh phúc của người nhà bệnh nhân Long khi thấy người thân phục hồi

Đôi khi hạnh phúc đến thật bất ngờ và giản đơn như vậy nhưng lại là động lực để các y bác sĩ tiếp tục hành trình cứu người cao cả.

Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động của nhân viên cấp cứu 115 được phóng viên Gia Đình Mới ghi lại vào đêm 29 Tết và rạng sáng 30 Tết. 

Hà Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan