ThS.BS Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 2 toàn cầu. Tại Việt Nam, năm 2012 có khoảng 112.600.000 người chết vì đột quỵ.
Thống kê của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho thấy, số ca cấp cứu do đột quỵ đột quỵ ngày càng nhiều, nhất là thời điểm tiết trời rét đậm. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2018, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã tiến hành cấp cứu cho khoảng 160 trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ.
Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian trì hoãn điều trị bệnh càng dài thì khả năng hồi phục của bệnh nhân càng bị hạn chế. Mặc dù có thể cứu sống người bệnh nhưng di chứng để lại rất lớn.
Những di chứng do đột quỵ não có nhiều mức độ khác nhau như nằm một chỗ, đứng và đi lại được nhưng chức năng vận động kém…
Chính vì vậy, khi phát hiện người bệnh có các dấu hiệu đột quỵ, cần gọi ngay cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa, nhằm giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế.
Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 - 4 giờ đầu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao.
Bệnh nhân đến sau 12 giờ tính từ thời điểm bị đột quỵ, các bác sĩ vẫn có thể cứu được người bệnh nhưng di chứng để lại thì rất là lớn.
Tuy nhiên khi đột quỵ xảy ra, việc vận chuyển bệnh nhân cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn và có ý kiến của các chuyên gia thần kinh. Khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế, việc cấp cứu điều trị phải được tiến hành khẩn trương đúng quy trình.
Cách để phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ
Theo bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, trong trường hợp có thể có đột quỵ, sử dụng từ viết tắt FAST để giúp ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo:
+ Face (mặt) - Có xệ mặt một bên trong khi cố gắng mỉm cười không?
+ Arms (tay) - Một cánh tay có thấp hơn trong khi cố gắng giơ cả hai tay lên không?
+ Speech (lời nói) - Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?
+ Time (thời gian) - Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào thì gọi số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương bạn ngay lập tức.
Ghi chú: khi đưa ra cụm từ viết tắt F.A.S.T. (tương ứng với mỗi dấu hiệu cảnh báo theo nghĩa tiếng Anh), ngoài mục đích giúp cộng đồng dễ nhớ thì nó còn có ý nghĩa trong tiếng Anh là NHANH CHÓNG.
- Các dấu hiệu và triệu chứng khác của đột quỵ bao gồm:
+ Yếu hoặc tê một nửa người, bao gồm cả hai chân
+ Giảm hoặc mất thị lực, đặc biệt là ở một bên mắt
+ Đau đầu dữ dội, đau đầu đột ngột, đau đầu không có nguyên nhân rõ ràng
+ Chóng mặt, đứng không vững hoặc đột ngột ngã mà không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu có kèm với bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác
- Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm: có huyết áp cao, có tiền sử bị đột quỵ, hút thuốc lá, có bệnh đái tháo đường và tim mạch. Nguy cơ đột quỵ cũng tăng theo độ tuổi.
Bạn có thể giúp đỡ bệnh nhân như thế nào?
- Đánh giá mức độ ý thức của bệnh nhân:
+ Nếu bệnh nhân bất tỉnh và thở bình thường, hoặc nếu không hoàn toàn tỉnh táo, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn).
- Gọi thêm người hỗ trợ và gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc số điện thoại dịch vụ cấp cứu y tế tại địa phương bạn ngay lập tức.
Điều quan trọng đối với bệnh nhân là được đánh giá càng sớm càng tốt bởi vì điều trị phải được bắt đầu trong vòng 1 - 2 giờ đầu sau đột quỵ nếu máu đông gây tắc mạch não.
- Chăm sóc cho bệnh nhân còn tỉnh:
+ Hỗ trợ bệnh nhân còn tỉnh táo ở một tư thế thoải mái nhất
+ Đắp chăn cho bệnh nhân để làm giảm mất nhiệt nếu thời tiết lạnh
- Theo dõi bệnh nhân:
+ Trong khi đợi xe cứu thương đến hoặc đợi người hỗ trợ đưa bệnh nhân đi bệnh viện, cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ nhằm phát hiện bất cứ sự thay đổi tình trạng nào.
+ Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm tình trạng ý thức nào của bệnh nhân, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn).
Tư thế nằm nghiêng an toàn cho bệnh nhân hay tư thế hồi sức cấp cứu là tư thế nhằm để bảo vệ đường thở của bệnh nhân, là ưu tiên cao nhất đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, do trọng lực làm hàm rơi ra phía sau, lưỡi bị tụt xuống và làm lấp tắc đường thở.
Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa, người bệnh dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp rất nguy hiểm. Khi đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên, các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
- Tất cả các bệnh nhân hôn mê đều nên được đặt ở tư thế nằm nghiêng an toàn, trừ khi nghi ngờ có chấn thương cột sống: bệnh cảnh chấn thương, liệt chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, tay trên gấp, tay dưới duỗi thẳng ra trước mặt, chân trên co, chân dưới duỗi thẳng. Có thể dùng vải hoặc gối để kê giữ nguyên bệnh nhân ở tư thế như vậy.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Hãy nhớ 3 giờ đầu là thời điểm vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].