Chữa bệnh xương khớp hiệu quả theo cách vận động, xoa bóp, bấm huyệt và bài thuốc Đông y

Việc tự tập vận động, xoa bóp, day miết các khớp bị đau và xung quanh vùng khớp bị đau theo cách của Đông y có tác dụng giảm đau, chống viêm, chống cứng khớp… trong mùa đông lạnh.

Tập vận động, xoa bóp, day miết các khớp bị đau và xung quanh vùng khớp bị đau theo cách của Đông y có tác dụng giảm đau, chống viêm, chống cứng khớp...

Theo Y học cổ truyền, chứng tý là một chứng bệnh mà đặc điểm chủ yếu là đau các cơ khớp ở tay, chân do khí huyết lưu thông không tốt gây bế tắc kinh lạc.

Các chứng bệnh như phong thấp, thấp khớp cấp, viêm đa khớp dạng thấp, viêm cơ, đau thần kinh tọa, bệnh gout… đều được quy về chứng tý. 

Trong Tố văn tý luận, tý chứng là một bệnh lý chỉ tình trạng khí huyết bị bệnh tà cản bế, có nghĩa là do tà khí phong, hàn, thấp từ bên ngoài xâm nhập vào cơ biến, kinh lạc làm tắc sự vận hành của khí huyết trong kinh mạch dẫn tới gân cốt, cơ nhục, quan tiết (khớp)… bị đau (bất thông tắc thống), phát sinh bệnh tật.

Có thể hiểu đơn giản là do các yếu tố ngoại quan (3 loại ‘khí’ gió - lạnh - ẩm) tác động tới cơ thể, đặc biệt là khi cơ thể mệt mỏi, làm tắc kinh mạch khiến khí huyết không lưu thông được mà sinh ra bệnh làm giãn gân cốt, cơ bắp, khớp xương bị đau, co rút tê bì, co duỗi khó khăn và bị sưng… đều gọi chung là ‘Tý’. 

Theo ThS.BS Nguyễn Tiến Hưng, Trưởng Khoa Dưỡng sinh – Xoa bóp bấm huyệt, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, căn cứ theo nguyên nhân gây bệnh, Y học cổ truyền chia chứng Tý làm 2 thể chính là phong hàn thấp tý và phong thấp nhiệt tý.

Và nguyên tắc điều trị chứng Tý theo Y học cổ truyền là phải ‘Thông kinh lạc’, ‘Hành khí hoạt huyết’ để lập lại sự lưu thông khí huyết.

Xoa bóp bấm huyệt là một trong những phương pháp hiệu quả để hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp

Hiện, một trong những phương pháp hiệu quả để hỗ trợ điều trị chứng Tý nói chung là xoa bóp bấm huyệt, nhất là khi kết hợp với dùng thuốc, châm cứu, chườm nóng, vật lý trị liệu…

Xoa bóp bấm huyệt có tác dụng giảm đau, chống viêm, chống cứng khớp nên được thực hiện sớm, liên tục ở tất cả các cơ cạnh khớp để chống teo cơ, biến dạng khớp.

Ở giai đoạn không sưng nóng (bệnh chưa nặng), việc vận động, xoa bóp trên khớp có tác dụng nuôi dưỡng khớp, chống dính khớp (do khí huyết lưu thông tốt sau xoa bóp). Trong giai đoạn khớp viêm, có thể xoa, bấm một số huyệt có tác dụng chống viêm, giảm đau. 

Với mỗi thể tý và mức độ nặng nhẹ của từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ áp dụng những thủ thuật xoa bóp, bấm những huyệt vị khác nhau và thời gian điều trị kéo dài từ 30 - 45 phút/lần.

Mỗi ngày có thể tiến hành xoa bóp bấm huyệt từ 1 - 2 lần và liệu trình điều trị sẽ kéo dài liên tục từ 10 - 20 ngày.

Ngoài việc tuân theo pháp điều trị riêng tại bệnh viện, bệnh nhân có thể tự tập vận động, xoa bóp, day miết các khớp bị đau và xung quanh vùng khớp bị đau dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Những thủ thuật xoa bóp đơn giản này cũng giúp mọi người phòng thoái hóa khớp và giảm đau nhức xương khớp trong trường hợp đau nhẹ.

Bệnh nhân có thể tự xoa bóp khoảng 10 - 15 phút buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc trong khi làm việc cảm thấy xương khớp mệt mỏi có thể dừng lại 10 - 15 phút để xoa bóp để cơ, khớp được nghỉ ngơi.

Bên cạnh việc áp dụng phương pháp xoa bóp bấm huyệt để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong chế độ dinh dưỡng, tập luyện, chăm sóc sức khỏe chủ động.

Cách phòng tránh bệnh về xương khớp đơn giản và hiệu quả là hàng ngày ngâm chân, tay vào nước muối ấm khoảng 10 phút và lau khô trước khi đi ngủ để loại trừ các yếu tố thấp và tác nhân gây bệnh sau một ngày lao động vất vả.

Những bài thuốc ngâm từ thảo dược và rượu có tác dụng rất tốt trong việc phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp

Những bài thuốc giúp dự phòng và điều trị đau nhức xương khớp 

- Phụ tử chế 12g, tam thất 6g, bạch chỉ 6g, chế xuyên ô 6g, tế tân 6g, mộc qua 10g, xuyên khung 10g, hồng hoa 10g, cẩu tích 10g, độc hoạt 10g, ngô công 1 con, địa long 3 con, mã tiền tử 2 hạt. Các vị tán vụn, ngâm với 500 ml rượu trắng, sau 7 - 10 ngày là có thể dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da không có tổn thương, tuyệt đối không được uống. 

- Huyết giác 10g, đại hồi 10g, địa liền 10g, quế chi 10g, hoa chổi xể 10g, lá thông 10g, thiên niên kiện 10g, ấu tầu (ô đầu) 5g, mán chỉ (kim sương) 10g. Các vị tán nhỏ, ngâm với 500 ml rượu trắng trong bình hoặc lọ kín, mỗi ngày đảo hoặc lắc 1 lần, sau 7 ngày là có thể dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da không có tổn thương, tuyệt đối không được uống. 

- Đương quy 12g, độc hoạt 12g, khương hoạt 12g, thiên niên kiện 10g, hồng hoa 8g, tô mộc 12g, nhục quế 8g, tần giao 12g, huyết giác 12g, ngải cứu 6g, mộc qua 10g. Các vị tán vụn, ngâm với 1000 ml rượu trắng, sau 7 ngày là có thể dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau, không được uống. 

- Hồng hoa 12g, đào nhân 20g, xuyên khung 50g, đương quy 50g, thảo ô 20g, hạt tiêu 50g. Các vị tán vụn, ngâm với 1000 ml rượu trắng, sau 3 ngày thì dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da không có tổn thương, tuyệt đối không được uống. 

- Hồng hoa 6g, đào nhân 6g, nhũ hương 6g, đương quy 12g, sinh nam tinh 12g, sinh bán hạ 12g, sinh xuyên ô 9g, khương hoạt 9g, độc hoạt 9g, bạch giới tử 3g, băng phiến 3g, tế tân 4,5g, tạo giác 4,5g. Các vị tán vụn, ngâm với 1000 ml rượu trắng trong bình kín, sau 7 - ngày là có thể dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da tại chỗ không có tổn thương. Tuyệt đối không được uống. 

- Khương hoạt 15g, độc hoạt 15g, quế chi 15g, tần giao 15g, đương quy 15g, dây đau xương 15g, nhũ hương 15g, một dược 15g, mộc hương 15g, tang chi 30g. Các vị tán vụn, ngâm với 1500 ml rượu trong bình kín, sau 7 ngày thì dùng được. Dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau, không được uống.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan