Hiện nay đang tồn tại 2 cách đánh vần Tiếng Việt khác nhau khiến cha mẹ tương đối lúng túng khi hướng dẫn cho con mới vào lớp 1 tập đọc.
Gia đình mới phân biệt 2 cách đánh vần nhằm giúp phụ huynh thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ con học tập.
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (nằm trong bộ sách giáo khoa do GS. TS Nguyễn Minh Thuyết Tổng chủ biên) dạy trẻ cách đánh vần tiếng Việt tương đối giống với cách đánh vần của thế hệ trước. Cha mẹ có thể thấy cách dạy này quen thuộc vì bản thân họ cũng đã được học qua.
Cụ thể, về phần tập đọc, các em sẽ làm quen với các âm, vần từ dễ đến khó. Các hoạt động trên lớp bao gồm tập đọc, tập viết, luyện nói và kể chuyện.
Chữ cái đầu tiên mà các bé được học là chữ “e” (không phải chữ “o” như bố mẹ được học trước kia). Sau đó, bé được học chữ “b” và tập đánh vần những tiếng đơn giản như “bờ e be”.
Học sinh lớp 1 sẽ tiếp tục được học các thanh (dấu) sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng để đọc được các chữ: bé, bè, bẻ, bẹ...
Chương trình sẽ tăng dần độ khó, bắt đầu từ các vần dễ như e, ê, ay, ăng... rồi đến các vần khó đọc, khó viết như oay, oai, oăn, oắt, uôn, iên...
Phản hồi về chương trình này, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh đa số đều ghi nhận đây là chương trình dễ tiếp cận. Cha mẹ cũng như anh, chị nếu có thời gian đều có thể hướng dẫn, giúp đỡ các bé trong việc học.
Trong khi sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 được đổi mới từ năm 2000, thì sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 – chương trình Công nghệ giáo dục (sách của GS Hồ Ngọc Đại) thực ra đã được “thử nghiệm” từ năm 1978. Như vậy thực chất chương trình thực nghiệm có thời gian thực hiện từ lâu, không quá mới mẻ như sự ồn ào của cư dân mạng.
Cách đánh vần của chương trình thực nghiệm có hơi khác so với đánh vần của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 hiện nay. Tuy nhiên điều gây ồn ào nhất là “chữ ô vuông, tam giác” và cách đọc “k,q” đều là “cờ”.
Mấy ngày gần đây, cư dân mạng ồn ào với những bài văn, đơn xin phép toàn ô vuông, tam giác. Thậm chí có những clip ghi lại cảnh cha mẹ "nổi đóa" vì con đọc được ô vuông, tam giác nhưng không đọc được chữ...
Thật ra, đây là những cách hiểu hoàn toàn sai lầm về chương trình Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục.
Ô vuông, tam giác chỉ là cách để trẻ phân tách lời nói thành các tiếng. Trẻ sẽ chỉ học “chữ ô vuông” vài tuần đầu của lớp 1. Đương nhiên, lúc mới vào lớp 1 thì cha mẹ yêu cầu đọc chữ, con sẽ chưa thể đọc được. Trẻ chỉ có thể học thuộc lòng các đoạn thơ, ca dao và nhìn theo “chữ ô vuông” để đọc lại.
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nhận xét về cách dạy trẻ tập đọc của Sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục: “Ở mấy bài đầu, chủ trương của tác giả cuốn sách là học sinh sẽ học cách tách lời nói thành các tiếng, từ đó hiểu cách đọc lời thơ, chứ không phải là học chữ hay học đánh vần.
Học sinh sẽ hình dung mỗi mô hình hình tam giác, hình vuông là khối chữ mà không đọc thừa, thiếu chữ.
Cách dạy này đã được GS Hồ Ngọc Đại thực nghiệm qua rất nhiều năm ở các trường thực nghiệm, đem lại kết quả và đã được các nhà chuyên môn kiểm chứng. Sau này, học sinh nắm rất vững quy tắc phát âm, dùng từ, đặt câu trong tiếng Việt, ít bị sai sót”.
Chương trình Công nghệ Giáo dục “đã lan ra 43 tỉnh và thành phố trong cả nước. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, có tới 60% lớp 1 đã dùng sách theo hướng Công nghệ Giáo dục” – theo GS Phạm Toàn.
Như vậy, trẻ có thể học đánh vần theo sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của chương trình phổ thông hay chương trình thực nghiệm đều được. Cách đánh vần khác nhau nhưng đích đến cuối cùng là trẻ đọc thông viết thạo, đọc đúng viết đúng Tiếng Việt vẫn có thể đạt được.