Theo các bác sĩ sản phụ khoa, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng cấp, phát nhầm lẫn thuốc, trong đó việc nhiều tên biệt dược thuốc na ná giống nhau cũng là nguyên nhân khó tránh.
Misoprostol trong các vụ việc là thuốc gì?
Vụ cấp nhầm thuốc phá thai cho 3 sản phụ khiến 1 sản phụ mất con ở Tiền Giang đang gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu nhầm lẫn, ở Việt Nam, từ đầu 2018 đến nay đã xảy ra 2 vụ việc.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trần Vũ Quang – Khoa sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương cho biết: “Nếu bác sĩ ghi đơn thuốc bằng tay thì việc nhầm lẫn khó có thể xảy ra như vậy. Trên thực tế, việc nhầm lẫn thuốc như Misoprostol chỉ xảy ra sai sót nếu toa thuốc in từ hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu danh mục thuốc trên máy tính do thao tác không cẩn thận. Vì đôi khi gõ tên thuốc các vần chữ đầu hoặc đuôi có thể gây bị nhảy tên thuốc do phần mềm. Vì vậy bác sĩ, nhân viên y tế giúp việc cho bác sĩ phải cẩn thận kiểm tra lại đơn thuốc trước khi phát cho bệnh nhân".
Cũng theo bác sĩ Quang, hiện nay, có rất nhiều loại thuốc có tên biệt dược gọi na ná như nhau. Do vậy, việc nhầm lẫn tên giữa loại thuốc này với loại thuốc kia là điều khó tránh, nếu không nói là có nguy cơ ngày càng gia tăng.
Theo bác sĩ Trần Vũ Quang phân tích: “Misoprostol, một chất tương tự prostaglandin E1 có tác dụng kích thích co bóp tử cung và chín muồi cổ tử cung. Bản thân nó được dùng làm thuốc ngừa viêm loét dạ dày, tá tràng do phải sử dụng lâu dài thuốc chống viêm không teroid có tác dụng bảo vệ niêm mạc hay bảo vệ tế bào (tên biệt dược của Misoprostol là Cytotec, nghĩa là bảo vệ tế bào). Do là dẫn chất prostaglandin nên Misoprostol còn có tác dụng gây co thắt tử cung”.
Theo bác sĩ, loại thuốc này được sử dụng trong sản khoa khá thường xuyên. Trong đó có chỉ định dùng cho các trường hợp chấm dứt thai kỳ do thai nhi bất thường hoặc thai lưu. “Misoprostol trong 4 hướng dẫn sức khỏe sinh sản tập trung vào khởi phát chuyển dạ, phòng và điều trị băng huyết sau sinh (BHSS), sẩy thai tự nhiên và phá thai.
Misoprostol có tác dụng đẩy bào thai ra bên ngoài tử cung bằng cơ chế co bóp tử cung và biểu hiện ra bên ngoài bằng các triệu chứng như đau bụng, chóng mặt, buồn nôn, chảy máu âm đạo”.
Những nhân tố có thể gây nhầm lẫn
Theo bác sĩ Quang, có thể phân chia thành năm yếu tố cơ bản gây nhầm lẫn các thuốc này gồm có:
- Lỗi nhận thức bằng thị giác, lỗi nhận thức bằng thính giác
- Lỗi khi ghi nhớ tên thuốc trong thời gian ngắn.
- Lỗi nhập dữ liệu vào máy tính (chọn sai tên thuốc từ hộp thoại thả rơi các tên thuốc đọc viết gần giống nhau đã được cài đặt trên phần mềm bảo quản và kê đơn thuốc)
- Yếu tố con người như thói quen trong công việc, thiếu sự tập trung trong quá trình cấp phát, sử dụng thuốc cho bệnh nhân, nhân viên y tế chưa nắm rõ tên thuốc, đặc biệt là các tên thuốc mới.
Vậy lời khuyên cho bệnh nhân là gì?
Về phía bệnh nhân trước khi sử dụng loại thuốc mới cho mình phải tìm hiểu đầy đủ thông tin của thuốc. Ngày nay nhiều loại thuốc mới có những trang web riêng trên internet, với đầy đủ thông tin và hình ảnh. Điều này đã giúp ích rất nhiều cho người dùng thuốc để tự phòng ngừa việc nhầm lẫn thuốc.
Người dùng thuốc có thể tự phòng ngừa nhầm lẫn thuốc bằng cách yêu cầu bác sĩ viết rõ ràng, đầy đủ, cụ thể tên thương mại và cả tên thuốc gốc, yêu cầu dặn dò cặn kẽ từng loại thuốc kê trong đơn, cách sử dụng và các phản ứng phụ có thể xảy ra.
Một biện pháp nữa là khi mua thuốc, cần hỏi và tham khảo thêm những điều bác sĩ đã dặn dò trong đơn; đề phòng bác sĩ có khi đãng trí trong lúc chẩn đoán, kê đơn.
Cuối cùng, khi mua thuốc, bạn phải đọc kỹ tờ hướng dẫn về tác dụng, cách dùng, liều lượng, các phản ứng phụ... xem có phù hợp với đơn thuốc hay không?
Và khi bạn dùng quen loại thuốc của mình thì nên để ý hình dạng, màu sắc thuốc và bao bì để khi nhận được thuốc từ nhân viên y tế bạn có thể phân biệt thuốc mới hay thuốc cũ.
Lời khuyên cho nhân viên y tế
Với những trường hợp này, theo bác sĩ, những nhân viên y tế cẩn trọng hơn hết thực hiện theo đúng quy trình có sẵn. Luôn cẩn thận kiểm tra đối chiếu và bàn giao giữa các đồng nghiệp đầy đủ. Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong việc dùng thuốc, khoa Dược và các khoa lâm sàng cần thực hiện các biện pháp chống nhầm lẫn thuốc nhìn gần giống nhau và/ hoặc đọc viết gần giống nhau ở tất cả các công đoạn sau: Lưu trữ thuốc, kê đơn thuốc, cấp phát, giao nhận thuốc và sử dụng thuốc cho bệnh nhân.
Nguyên tắc “5 đúng” trong dùng thuốc của Bộ Y tế:
-
Nguyên tắc 5 đúng trong dùng thuốc của Bộ Y tế
1. Đúng người bệnh:
Một trong những phần quan trọng trong việc dùng thuốc là phải đảm bảo rằng thuốc được được đưa vào đúng người bệnh.
Có nhiều người bệnh giống nhau về tên, họ, tuổi vì vậy để tránh nhầm lần là khi có 2 người bệnh giống nhau ta nên sắp xếp giường khác phòng nhau hoặc nếu không có thể cho họ nằm ở 2 vị trí cách xa nhau, và điều quan trọng nhất là ta phải hỏi tên họ, số giường, số phòng, trước khi dùng thuốc.
2. Đúng thuốc:
Khi dùng thuốc cho người bệnh, người điều dưỡng phải đọc nhãn thuốc 3 lần vào 3 thời điểm sau:
− Khi lấy thuốc ra khỏi tủ hoặc nơi cất giữ.
− Khi lấy thuốc ra khỏi vật chứa: lọ, ống, chai thuốc.
− Trước khi trả chai, lọ thuốc về chỗ cũ hoặc bỏ vào thùng rác.
3. Đúng liều:
Sự tính toán liều cần phải được chính xác do vậy để tránh nhầm lẫn người điều dưỡng cần phải lấy thuốc trong môi trường hoàn toàn yên tĩnh, phải chú tâm cao độ, không làm việc gì khác, đôi khi cũng cần kiểm tra lại sự tính toán của mình bằng cách so với các điều dưỡng khác.
Sau khi tính toán liều thuốc chính xác, người điều dưỡng phải biết dùng dụng cụ đo lường chính xác từng ml hay từng giọt một, việc bẻ đôi một viên thuốc nên dùng dụng cụ cắt thuốc cho cân xứng.
Với số lượng thuốc quá nhỏ vài giọt ta có thể cho trực tiếp vào miệng người bệnh hoặc cho một ít nước vào ly trước khi cho thuốc vào để tránh thuốc dính vào ly.
4. Đúng đường dùng thuốc:
Khi sử dụng thuốc ngưởi điều dưỡng cần phải kiểm tra chắc chắn thuốc dùng cho đường nào: uống, ngoài da, niêm mạc hay tiêm vì nếu nhầm lẫn thì sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ví dụ: thuốc dùng ngoài da lại đem uống sẽ gây ngộ độc những chất không thể hấp thu qua niêm mạc tiêu hoá hoặc thuốc dùng tiêm bắp lại dùng tiêm tĩnh mạch có thể gây thuyên tắc mạch vì thuốc tiêm bắp có thể có tính chất không tan trong máu.
5. Đúng thời gian:
Điều dưỡng phải biết vì sao một số thuốc được cho y lệnh vào một số giờ nhất định trong ngày, ví dụ: thuốc lợi tiểu không nên dùng sau 15 giờ vì người bệnh có thể đi tiểu ban đêm gây mất giấc ngủ, hoặc một số thuốc như kháng sinh cần duy trì nồng độ thuốc đều trong máu do phải cách mỗi 8 tiếng hoặc 12 tiếng dùng thuốc một lần.
Nếu như ta không thực hiện đúng thì hiệu quả của việc điều trị sẽ giảm và đôi khi sẽ mất tác dụng và có thể gây nặng thêm cho người bệnh.