Cần làm gì khi mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc tiếp xúc gần người bệnh?

Việt Nam đã xuất hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.HCM sau khi đi du lịch từ Dubai về. Những người tiếp xúc gần với người bệnh cần phải làm gì?

Cần làm gì khi tiếp xúc gần với người bị đậu mùa khỉ?

Bệnh Đậu mùa khỉ (monkeypox) không phải là bệnh mới, bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh Đậu mùa khỉ.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc tiếp xúc gần người bệnh cần thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch như sau:

- Đối với người bệnh: (áp dụng với trường hợp bệnh xác định hoặc trường bệnh nghi ngờ chưa có kết quả xét nghiệm)

+ Điều tra mở rộng các địa điểm dịch tễ có liên quan đến trường hợp bệnh (nơi ở, nơi làm việc...) theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ.

+ Điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp bệnh nghi ngờ.

+ Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tể.

+ Đeo khẩu trang và sử dụng riêng biệt các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt cá nhân để hạn chế lây truyền bệnh.

+ Nếu có người bệnh tử vong, cần xử lý tử thi theo Thông tư số 21/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về vệ sinh trong mai táng, hỏa táng.

Người tiếp xúc gần với người mắc đậu mùa khỉ phải tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng. Ảnh minh họa

- Đối với người tiếp xúc gần:

+ Điều tra, truy vết, xác định tất cả người tiếp xúc gần. Sau đó, cán bộ y tế lập danh sách, hướng dẫn đối tượng tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng.

+ Khi có triệu chứng nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, phát ban và nổi hạch, ... cần hạn chế tiếp xúc người khác và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị, cách ly kịp thời.

- Người chăm sóc người bệnh cần lưu ý:

+ Thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang y tế, kính đeo mắt, găng tay, mũ áo,... trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh;

+ Rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.

+ Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh và những người khác.

7 biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Hiện nay, biện pháp phòng bệnh Đậu mùa khỉ chủ yếu như sau:

  1. Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc hoặc nghi mắc bệnh Đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
  2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
  3. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
  4. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
  5. Người nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh tiếp xúc gần với người khác, bao gồm cả quan hệ tình dục.
  6. Người đến các quốc gia/vùng lãnh thổ có lưu hành dịch bệnh Đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống). Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
  7. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan