Uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol sẽ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người uống. Làm thế nào để nhân biết rượu chứa cồn công nghiệp methanol?
Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, nếu chỉ nếm hoặc nhìn thì rất khó phân biệt được rượu thường hay rượu chứa cồn công nghiệp methanol.
Hay có thể hiểu là, nếu chỉ dựa vào cảm quan thông thường thì không thể phân biệt được rượu chứa cồn công nghiệp methanol. Do đó, người dân cần cảnh giác với các loại rượu không nhãn mác, giá “siêu rẻ”, thậm chí chỉ vài nghìn đồng mỗi lít. Vì rất có thể đó là rượu pha cồn công nghiệp methanol.
Các chuyên gia an toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, đối với cảm quan bên ngoài thì chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu...
Rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt. Do vậy, các chuyên gia về an toàn thực phẩm khuyên người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc, thuộc các cơ sở có thương hiệu uy tín và không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.
Ngoài ra có thể ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt. Hoặc cũng có thể nhận biết rượu pha cồn bằng cách đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt.
Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.
Ngộ độc methanol nặng có thể gây tử vong. Không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Phòng ngừa là biện pháp hiệu quả nhất để chống lại sự ngộ độc methanol, loại ngộ độc có thể xảy ra do uống rượu mạnh nhập lậu hoặc do vô tình uống phải.
Để sơ cứu cho người nghi bị ngộ độc methanol, trươc hết cần phải tuân theo các cách thức sơ cấp cứu nói chung cho các bệnh nhân ngộ độc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo, nguyên tắc điều trị chính khi bị ngộ độc methanol đó là phòng ngừa hơn nữa sự chuyển hóa của chất methanol, chế ngự những điều bất thường của sự trao đổi chất và thực hiện chăm sóc hỗ trợ khác.
Ngoài ra, tuỳ vào mức độ ngộ độc methanol mà có thể đưa ra các cách xử lý khác nhau. Nếu bệnh nhân còn tỉnh, thì có thể cho bệnh nhân ăn uống đầy đủ. Đặc biệt là các thức ăn chứa tinh bột, chứa đường. Bên cạnh đó cần giữ ấm cho bệnh nhân, không để bệnh nhân tự đi lại, qua đó theo dõi về thể trạng tinh thần; tuyệt đối không được để bệnh nhân ra ngoài hay điều khiển phương tiện giao thông.
Trong trường hợp bệnh nhân không tỉnh, tức là người bệnh chỉ nói được vài từ, ú ớ, thở khò khè thì cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang 1 bên (quay cả người và đầu sang bên phải là tốt nhất) để bệnh nhân dễ thở.
Mọi người tiếp tục giữ ấm cho bệnh nhân, kèm quan sát. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở, tím tái thì cấp cứu theo điều kiện tại chỗ đồng thời gọi ngay cho trung tâm cấp cứu để đưa bệnh nhân tới bệnh viện trong điều kiện sớm nhất.
Hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc methanol đều được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nặng, đe doạ tử vong. Vì vậy, việc quan trọng nhất là làm sao đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt để tránh những di chứng nặng nề như mù mắt, tổn thương não hay hôn mê.
Các đồ uống có cồn như bia, nước hoa quả lên men, rượu vang và các loại rượu được sản xuất và phân phối bởi các công ty có đăng ký, việc sản xuất và mua bán thực hiện chính thức, có thông tin đầy đủ, rõ ràng là các loại đồ uống có xu hướng an toàn hơn và ít bị pha trộn.
Chỉ nên mua rượu, bia ở các cửa hàng tin cậy, thận trọng khi mua các loại cocktail pha sẵn, rượu nấu tại gia đình và các loại đồ uống có giá rẻ bất thường.