Sâu răng sẽ làm cho hơi thở của bạn có mùi. Sâu răng là bệnh rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi (từ những trẻ răng sữa đến người già) và là một trong những bệnh thường gặp nhất trên thế giới.
Một lúc nào đó bạn thấy hơi thở của mình có mùi, ăn uống hay bị nhét thức ăn, nặng hơn thì sưng, sốt và đau nhức… có nghĩa là đến 90% khả năng răng bạn đang bị sâu.
Thế nào là bị sâu răng?
Sâu răng là một bệnh phá hoại cấu trúc của răng. Răng bị sâu khác với các bộ phận khác bị tổn thương, vì đây là một quá trình và là bộ phận duy nhất trong cơ thể không có khả năng tự phục hồi, phải chữa trị. (ví dụ đứt da, da tự lành; gãy xương cũng có khả năng tự hồi phục).
Thông thường sâu răng phát triển liên tục từ lớp nông đến lớp sâu của răng. Trên bất kỳ răng nào, từ răng hàm nhai tới răng cửa. Từ mặt nhai của răng tới kẽ răng, hay dưới chân răng.
Triệu chứng ban đầu là răng đổi màu, lúc này người bệnh chưa cảm thấy gì, lỗ sâu răng chưa có và kích thích do thức ăn nóng, lạnh chưa xảy ra. Một thời gian sau, răng biến đổi sang màu nâu hoặc màu đen.
Lỗ sâu ở răng xuất hiện, người bệnh cảm thấy khó chịu khi thức ăn giắt vào lỗ sâu, cảm thấy buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh, đau khi có thức ăn nóng giắt vào. Nếu lỗ sâu tiếp tục bị sâu thì phần đáy lỗ bị bong calcium và mềm hóa, nhiễm vào tầng sâu (ngà) của răng, làm cho bệnh nặng hơn. Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu có cảm giác đau nhức, hay thậm chí làm sưng mặt, gây sốt.
Bên cạnh đó, khi bị sâu răng, hơi thở của người bệnh còn có mùi hôi do vi khuẩn tồn đọng cùng với thức ăn tại lỗ sâu.
Những nguyên nhân gây sâu răng
Có 4 nhân tố như một chuỗi liên hoàn gây ra sâu răng là vi khuẩn, thức ăn, răng của từng người và thời gian.
Vi khuẩn gây sâu răng (cụ thể là các loài Lactobacillus, Streptococcus, Actinomyes là các vi khuẩn bám vào mặt răng và có khả năng gây sâu răng, chúng sản sinh và tiết ra chất hữu cơ, polyore, enzyme thủy phân chất lòng trắng trứng (một thành phần trong nước bọt), những chất đó có thể hòa tan chất hữu cơ và phân hủy chất vô cơ của kết cấu răng. Các vi khuẩn này bám vào răng hình thành các đốm khuẩn, đến lượt các đốm khuẩn này phát triển tấn công răng.
Khả năng chống sâu của răng tùy thuộc vào trạng thái kết cấu của răng. Hàm răng không bị sứt mẻ, không khiếm khuyết, mọc thẳng hàng, thẳng lối, men răng trắng bóng, mức khoáng hóa răng cao là những yếu tố quan trọng chống lại các tác nhân gây sâu răng. Ngược lại, các yếu tố này không hoàn chỉnh thì nguy cơ sâu răng là rất lớn.
Sự gây ra sâu răng của thức ăn được nhắc đến nhiều nhất là đường, là cơ sở quan trọng để vi khuẩn bám vào đó sinh sôi nảy nở, nhất là ăn nhiều đường, ăn đồ ngọt, không đánh răng trước khi đi ngủ.
Các gợn thức ăn còn bám vào các kẽ răng, nếu không đánh răng thường xuyên, hoặc/và không lấy cao răng định kỳ cũng sẽ làm môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây sâu răng phát triển.
Quá trình từ răng mới sâu đến khi hình thành lỗ sâu phải trải qua một thời gian, nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự vệ sinh, khả năng chống sâu của từng người và cũng phụ thuộc mức độ vi khuẩn nhiều hay ít.
Thông thường từ lúc xuất hiện các đốm răng cho đến khi hình thành lỗ sâu có thể đến 1,5 năm, trong thời gian đó rất cần được điều trị kịp thời.
Điều trị răng sâu như thế nào?
Dùng thuốc điều trị cho những trường hợp mới chớm sâu, chưa hình thành lỗ. Thuốc dùng thường là chấm vào chỗ bị sâu, đây là những dung dịch có tính sát khuẩn.
Biện pháp nạo bỏ phần răng bị sâu, áp dụng cho mọi lỗ sâu răng, nhất là lỗ sâu rộng, nhằm ngăn chặn sự phát triển tiếp theo của răng sâu.
Biện pháp tái khoáng phần bị sâu, dùng dung dịch gồm các chất calcium, phosphate, fluorine đổ vào nơi răng bị sâu. Phương pháp này áp dụng cho trường hợp răng chớm sâu, có khả năng thu hẹp vùng có màu trắng vôi hoặc vùng đó ngừng phát triển. Đây là phương pháp tái khoáng đơn giản, hiệu quả, không đau và an toàn.
Hàn vá (trám) lỗ sâu là phương pháp thường dùng nhất để chữa sâu răng, áp dụng đối với răng có khả năng định vị sau khi bị sâu. Khi hàn vá sử dụng chất liệu hàn vá để hàn thật chắc vào răng, vá vào chỗ khuyết của răng, khôi phục tính năng của răng, nhằm giữ được thẩm mỹ và chức năng cho hàm răng.
Khi răng đã sâu tới tủy, làm nhiễm trùng tủy, hư tủy, tủy thối,… thì bắt buộc phải điều trị tủy cho răng trước. Chỉ khi tủy răng đã được làm sạch, răng mới được điều trị để tái tạo hình dáng và cấu trúc.
Phòng bệnh sâu răng
Bởi vì như đã đề cập ở trên, răng là một tổ chức cấu trúc không có khả năng tự phục hồi. Việc điều trị tương đối phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian.
Và khi răng đã bị sâu, sâu lớn thì sau khi điều trị, dù có thành công thì cấu trúc của răng cũng không thể hồi phục được giống như tình trạng ban đầu lành mạnh của răng. Vì vậy, đối với căn bệnh này, việc phòng tránh mang nhiều ý nghĩa hơn việc điều trị.
Trước hết phải vệ sinh răng miệng sau khi ăn, trước khi đi ngủ. Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều đường.
Trẻ em trong thời kỳ mọc răng, thay răng càng phải đặc biệt quan tâm đến hàm răng, như cho trẻ ăn đủ chất tạo răng, đánh răng và dạy trẻ biết đánh răng cho mình.
Dùng kem đánh răng có chứa flourine, có thể dùng thêm nước súc miệng diệt khuẩn sau bữa ăn.
Những phụ nữ mang thai cần bổ sung calcium để trẻ sinh ra không bị thiếu chất tạo răng.
Mọi người cũng cần khám răng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện những biến đổi của răng, có các biện pháp điều trị phù hợp.