Bệnh rối loạn phân ly các học sinh Bắc Kạn mắc phải có đặc điểm gì?

Vừa qua, thông tin nhiều học sinh của điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) thường xuyên có biểu hiện lạ, liên tục bị ngất, trở lên hung dữ bất thường, suy kiệt sức khỏe… khiến cho giáo viên, các bậc phụ huynh và chính quyền địa phương lo lắng, dư luận cũng rất quan tâm.

các bác sĩ khám cho các em học sinh điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn)

Sau khi trực tiếp đi thăm khám, các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương bước đầu xác định, các cháu bé trên mắc chứng rối loạn phân ly tập thể.

Theo Ths.Bs Nguyễn Mai Hương – Phó trưởng khoa Tâm thần, bệnh viện Nhi Trung ương, rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỷ lệ 0,3 - 0,5% dân số.

Một trong những điều kiện thuận lợi khiến trẻ mắc chứng bệnh trên chính là do trẻ sống trong môi trường giáo dục không thích hợp, cha mẹ quá nuông chiều hoặc quá khắt khe với con...

Rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữ trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động.

Đặc trưng của phân ly là những triệu chứng gợi ý bệnh lý của một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể nhưng người ta không tìm thấy được nguyên nhân bằng các phương pháp thăm khám lâm sàng và xét nghiệm.

Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được.

Những sang chấn này thường gây những cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề...

Rối loạn phân ly tập thể là khi xảy ra đồng loạt các trường hợp rối loạn phân ly trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông.

Khi một người trong nhóm có biểu hiện của rối loạn phân ly, những người còn lại có xu hướng ‘bị lan truyền’. Sự lan truyền triệu chứng xảy ra trong nhóm người có mối quan hệ nào đó về môi trường hoặc sang chấn, tạo ra hàng loạt ca bệnh.

Do có nhiều người cùng xuất hiện những biểu hiện bất thường nên bệnh lý này thường gây ra những lo lắng, hoang mang, thậm chí hiểu nhầm trong dư luận và xã hội.

Theo Ths.Bs Nguyễn Mai Hương – Phó trưởng khoa Tâm thần, bệnh viện Nhi Trung ương, các triệu chứng của rối loạn phân ly rất đa dạng, xuất hiện và kết thúc đều đột ngột thành từng cơn.

Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng, nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn. Đặc điểm của triệu chứng phân ly là tính ‘chịu ám thị’.

Có nghĩa là khi có một tác nhân khác gây kích thích mạnh vào niềm tin hoặc đánh lạc hướng chú ý của người bệnh, các biểu hiện phân ly có thể giảm hoặc mất đi ngay. Ví dụ, tiêm nước cất có thể làm mất cơn co giật.

PGS Trần Minh Điển - PGĐ bệnh viện và TS Cao Vũ Hùng - trưởng khoa Thần kinh khám sức khỏe cho các cháu

Trong trường hợp phân ly tập thể, các triệu chứng thường gặp là ngất, rối loạn vận động, co giật, cơn kích động cảm xúc.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây ra rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể, vì vậy bệnh lý này còn được gọi là bệnh lý chức năng.

Các biểu hiện của bệnh thường phát sinh trong khoảng thời gian ngắn sau các sự kiện gây sang chấn, những vấn đề không giải quyết được gây căng thẳng.

Đôi khi, các sang chấn nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho phân ly, ví dụ như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt...

Trong những trường hợp như vây, rối loạn phân ly xuất hiện như một cơ chế tự phòng vệ để bảo vệ cho những cá nhân, nhằm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như lo âu, bất lực, đồng thời tạo ra những lợi ích thứ phát như được quan tâm, được chăm sóc

Rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp.

Quá trình điều trị thường cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan