Viêm nướu kéo dài và một số nguyên nhân khác do vi khuẩn sẽ làm viêm nha chu. Viêm nha chu không điều trị kịp thời sẽ làm răng lung lay và cuối cùng là rụng răng!
Nha chu là gì?
Mỗi răng được đựng trong một xương ổ riêng biệt. Khoảng giữa răng và xương ổ (rất rất nhỏ) là một hệ thống dây chằng, mô liên kết. Đó là nha chu.
Nha chu có thể được tính từ phần nướu răng bên trên bề mặt và sâu xuống tới tận chân răng.
Nhiệm vụ của nó là giữ cho răng được chắc chắn trong xương ổ răng. Đồng thời cũng như là một lớp đệm để răng có tính đàn hồi nhất định trong ăn uống.
Gọi theo chữ Hán, nha là răng, chu là xung quanh, bệnh nha chu là bệnh của mô nâng đỡ xung quanh răng bao gồm nướu răng (lợi), dây chằng, và xương ổ răng.
Viêm nha chu là gì?
Bình thường nướu răng sẽ bám xung quanh cổ răng. Giữa răng và nướu luôn có một khe hẹp (nghĩa là nướu răng áp sát vào cổ răng) và có độ sâu chỉ khoảng chừng 1-2 mm.
Khi tình trạng vệ sinh răng miệng kém, có nhiều mảnh vụn thức ăn lọt vào khe nướu, đọng lại đó, lâu dần cứng lại thành vôi răng. Lúc này bạn có thể cảm thấy ê buốt hay ê ẩm răng.
Đôi khi tình trạng khó chịu này chỉ thoáng qua, rồi tự hết, bạn tưởng là khỏi bệnh. Nhưng không phải như vậy! Vôi răng vẫn còn nằm trong khe nướu và tiếp tục tích tụ nhiều hơn, đẩy đáy khe nướu tụt dần xuống khỏi vị trí quanh cổ răng lúc ban đầu.
Lúc này khe nướu không còn là khe nữa vì đã phát triển sâu hơn và rộng ra (nướu răng không còn ôm sát chân răng nữa), như hình dạng một cái túi, nên gọi là túi nướu (hay túi nha chu).
Như vậy, túi nha chu là phát triển từ khe nướu mà ra. Túi càng sâu thì răng càng lung lay (vì phần xương ổ răng bao bọc quanh chân răng bị tiêu hủy dần đi), bệnh càng nặng, việc điều trị càng khó thành công.
Hơn nữa, túi nha chu càng sâu việc chải sạch thức ăn càng khó vì thức ăn rơi vào túi sâu sẽ khó lấy ra hơn. Hậu quả là bệnh hay tái phát.
Túi nha chu hình thành quanh thân răng
Bệnh diễn ra rất âm thầm nên người bệnh thường chủ quan, hoặc biết mà tặc lưỡi cho qua bởi vì bệnh không gây đau nhức như sâu răng. Hậu quả là khi răng đã quá lung lay, gây đau thốn khi ăn nhai thì bệnh nhân mới tìm đến bác sĩ.
Ở giai đoạn này, thường là nha chu sẽ không thể phục hồi được. Sẽ phải nhổ bỏ hoặc để tự rụng.
Có thể chữa lành bệnh nha chu hay không?
Điều trị nha chu phức tạp hơn rất nhiều so với điều trị răng sâu. Các biện pháp điều trị phối hợp khá phức tạp, tốn kém.
Trong trường hợp túi nha chu mới hình thành, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ sạch túi nha chu này. Trong trường hợp nướu bị viêm nhiều thì có thể tiến hành cắt lọc những tổ chức đã bị hoại tử.
Uống thuốc đặc trị, kết hợp với việc giữ gìn vệ sinh răng miệng thật sạch, xúc miệng bằng thuốc hoặc bằng nước muối loãng thường xuyên và liên tục thì bệnh nha chu mới có thể giảm và khỏi.
Vôi răng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh nha chu
Nha sĩ có thể điều trị chặn đứng các tiến triển của bệnh (chảy máu, chảy mủ, đau nhức, ê ẩm, sưng nướu, ...) và loại trừ hết các dấu hiệu bệnh tật trên. Tuy nhiên nếu răng đã bị tụt nướu làm lộ chân răng ra ngoài thì gần như không thể điều trị để nướu mọc cao lên che đậy lại chân răng.
Trong trường hợp này có thể nghĩ đến việc điều trị ghép vạt mô liên kết, để giúp nướu răng hồi phục. Nhưng tỉ lệ thành công cũng không cao.
Trong trường hợp nha chu đã tiến triển nặng, xương ổ răng đã bị tiêu hủy nhiều thì việc điều trị để phục hồi phần xương đã bị tiêu, để giữ lại răng cứng chắc trở lại là điều gần như không thể.
Phòng bệnh nha chu như thế nào?
Bệnh nha chu nguy hiểm là vậy nhưng việc phòng tránh lại rất đơn giản và hiệu quả.
Bạn chỉ cần lưu ý giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt bằng việc chải răng sau mỗi bữa ăn. Không ăn trong lúc ngủ. Không ngủ khi chưa đánh răng để tránh việc vi khuẩn tồn đọng sẽ tạo thành túi nha chu.
Xúc miệng với nước muối loãng cũng là một trong những cách làm sạch khoang miệng rất hiệu quả.
Điều không thể thiếu là cứ mỗi 6 tháng một lần, bạn phải đến gặp nha sĩ để tiến hành lấy cao răng. Cao răng phải được lấy sạch sẽ, nướu mới hồng tươi săn chắc.