Hội chứng ruột kích thích gây ra những cơn đau co thắt mạnh, chướng bụng… làm người bệnh khó chịu, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa và dễ biến chứng thành các bệnh đường ruột nguy hiểm.
Theo bác sĩ Nguyễn Hải Ánh (bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc), hội chứng ruột kích thích là một trong các bệnh đường tiêu hóa thường gặp, bên cạnh các bệnh lý về dạ dày, thực quản, ung thư đường tiêu hóa…
Với mỗi bệnh nhân lại có những triệu chứng bệnh khác nhau và có thể thay đổi theo thời gian.
Mỗi người bệnh có thể gặp các triệu chứng riêng lẻ nhưng cũng có thể gặp cùng lúc nhiều triệu chứng rối loạn chức năng ruột khác nhau. Trong đó có một số triệu chứng về tiêu hóa tiêu biểu dưới đây:
Đau bụng hoặc bụng khó chịu
Đau là triệu chứng chủ yếu của hội chứng ruột kích thích, có khi đau khiến bệnh nhân phải thức dậy khi đang ngủ.
Triệu chứng đau tăng khi bệnh nhân thấy căng thẳng hoặc mệt nhọc, giảm đau khi nghỉ ngơi.
Tình trạng đau và khó chịu sẽ bớt khi bệnh nhân đại tiện, trung tiện được và đau tăng lên khi bị táo bón.
Chướng bụng
Đây là triệu chứng rất thường gặp ở những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích. Thường thì lúc ngủ dậy không bị chướng bụng, nhưng trong ngày, bệnh nhân lại cảm thấy triệu chứng tăng dần lên.
Trào ngược dạ dày – thực quản
Người bệnh sẽ có cảm giác nóng ở thượng vị, buồn nôn, nuốt khó, cảm giác có cục vướng ở họng hoặc đau ngực không do bệnh tim.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có các dấu hiệu không phải tiêu hóa phối hợp như: Đái khó, rối loạn về phụ khoa, đau nhức đầu, đau lưng, mệt mỏi, khó ngủ , đau cơ…
Rối loạn chuyển vận ruột
Biểu hiện bằng số lần đi cầu, thay đổi hình dạng và mật độ của phân như tiêu chảy hoặc táo bón.
Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy ít gặp hơn thể táo bón. Rối loạn chuyển vận ruột có thể ảnh hưởng đến cách thức đi ngoài: Mót rặn, đau nhẹ hậu môn, phân có nhầy mũi, són phân.
Để phòng ngừa hội chứng ruột kích thích, bác sĩ Nguyễn Hải Ánh khuyến cáo về chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày.
Chế độ ăn uống rất quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị hội chứng ruột kích thích.
Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nên tránh ăn các loại thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như: Khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường…
Với đồ uống, nên tránh nước uống có ga, nhiều đường, đồ uống có chất kích thích như bia, rượu, cà phê…
Đồng thời, cần tránh các gia vị chua cay, đồ ăn để lâu, bảo quản không tốt. Nếu có biểu hiện tiêu chảy nên tránh ăn quá nhiều thức ăn có nhiều chất xơ như rau muống, rau cải, dưa…
Cần luyện tập chế độ đại tiện một lần trong ngày, tốt nhất là vào một thời gian cụ thể, lúc thảnh thơi. Xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện.
Bên cạnh đó, một chế độ luyện tập thư giãn ít nhất 30 phút mỗi ngày như tập thể dục, đi bộ, luyện tập khí công, yoga… cũng góp phần cải thiện bộ máy tiêu hóa, phòng ngừa hội chứng ruột kích thích.
Ngoài ra, việc đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, thực hiện ăn chín uống sôi, tránh stress (lo lắng, căng thẳng)… sẽ giúp tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa, phòng ngừa bệnh tật.