Bác sĩ Khoa Thần kinh tư vấn: Mất ngủ không chỉ đơn giản là 'không ngủ được'
Ngoài những tác hại khôn lường như tiểu đường, tăng cân, giảm trí nhớ... mất ngủ còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, đó là trầm cảm.
Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người. Mất ngủ lâu ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình hoàn thiện của hệ thần kinh.
Nhiều nghiên cứu chứng minh, khi thiếu ngủ, bộ não thường có những phản ứng tiêu cực, dễ gây ra rối loạn tâm lý, lo âu, cáu gắt, mệt mỏi... từ đó nảy sinh nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm.
Theo bác sĩ Vương Ngọc Bình - Chủ nhiệm Khoa Thần kinh Bệnh viện Tuyên Vũ (Bắc Kinh, Trung Quốc), mất ngủ không chỉ đơn giản là "không ngủ được".
Một người bình thường mất khoảng nửa tiếng để đi vào giấc ngủ, nhưng những người mất ngủ sẽ phải mất 1-2 giờ hoặc lâu hơn để có thể ngủ ngon. Họ cũng hay thức dậy sớm, thời gian giấc ngủ ngắn, thức dậy nhiều lần trong đêm. Nếu tình trạng này lặp lại nhiều lần sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, tâm trạng uể oải, dễ cáu gắt, mệt mỏi.
Bác sĩ Vương Ngọc Bình cho biết, những người mất ngủ lâu ngày cần phải cảnh giác với nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Nếu chỉ là mất ngủ đơn thuần, vấn đề của bạn chỉ là ngủ không ngon, khó ngủ, giấc ngủ không sâu... Nhưng với những người trầm cảm, ngoài mất ngủ bạn còn dễ rơi vào tình trạng lo lắng, sợ hãi, dễ cáu kỉnh, không hứng thú với những thứ xung quanh.
Trước đây, người ta nghĩ rằng khó ngủ vào ban đêm là biểu hiện của trầm cảm và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy, trầm cảm có thể chính là hậu quả do thiếu ngủ gây ra.
Theo thống kê, người mất ngủ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn và ngược lại, những người bị trầm cảm cũng thường xuyên bị mất ngủ kéo dài.
Ngủ ít gây ra rắc rối cho tâm trí của bạn, nó tác động cả về những gì bạn nghĩ và cả cách bạn nghĩ, khiến bạn có nhiều suy nghĩ tiêu cực, chậm chạp, sợ hãi.
Vì vậy, khi tình trạng mất ngủ trở nên trầm trọng, bạn cần đi khám để biết tình trạng mất ngủ này là tạm thời hay là một biểu hiện bệnh lý.
Một giấc ngủ ngon có thể tạo sự khác biệt đối với sức khỏe tinh thần của con người. Ngủ ngon có thể là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng trong việc giải quyết nhiều vấn đề tâm lý và tình cảm.
Bên cạnh việc sử dụng các dược phẩm hỗ trợ giấc ngủ, người bệnh nên có một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý. Nên tập thói quen ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày, không sử dụng các chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá, rượu…) vào cuối buổi chiều, đặc biệt là trước khi đi ngủ, tránh ngủ nhiều vào ban ngày, giấc ngủ trưa chỉ nên kéo dài khoảng 30 – 60 phút là vừa đủ.
Ngoài ra, bạn nên tập thể dục buổi sáng đều đặn để tinh thần thoải mái hơn, không nên tập thể dục sát giờ đi ngủ. Trước khi đi ngủ 20 phút nên ngâm chân nước ấm, đồng thời đảm bảo phòng ngủ thoáng, sạch sẽ, không quá nóng hay quá lạnh, tránh ánh sáng.
Chế độ dinh dưỡng cũng là điều mà những người hay mất ngủ cần chú ý. Những chất sau đây cần bổ sung để có giấc ngủ tốt hơn:
Vitamin B1: có trong gạo lức, thịt lợn tươi, cá tươi, gà, sữa đậu nành, măng tây... giúp gia tăng hoạt động của các dây thần kinh
Magie: có trong rau mồng tơi, rau muống, rau dền, trái bơ, hạt bí, hạnh nhân... giúp thư giãn cơ bắp giúp dễ ngủ hơn
Tryptophan: có trong thịt gà, lạc, quả mơ, chuối, sữa chua... giúp hỗ trợ tăng sản xuất hormone serotonin để dễ ngủ
Ngoài ra, người mất ngủ cần tránh các thực phẩm nhiều chất béo như bơ, các món xào, chiên nhiều dầu mỡ, thịt xông khói, bánh kem..., không dùng cà phê và các loại nước ngọt chứa cafein như pepsi, coca..., không hút thuốc lá.