Hai lần chạm cửa tử, thời gian ngừng tim lâu nhất 120 phút nhưng người mẹ 3 con vẫn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trở về với cuộc đời.
Ép tim ngay trên cáng trên đường cấp cứu
Khoa Cấp cứu A9 nhận được yêu cầu hỗ trợ của Bệnh viện đa khoa Hà Đông về sản phụ 30 tuổi, sinh con thứ 3 được chẩn đoán: Sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng sau mổ cắt tử cung do rau bong non, chưa loại trừ tắc mạch ối.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai đã nhanh chóng hội chẩn trực tuyến và đồng ý tiếp nhận người bệnh, đồng thời hướng dẫn đội vận chuyển Bệnh viện Hà Đông vận chuyển an toàn cũng như chuẩn bị đội tiếp nhận bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bạch Mai theo quy trình.
Kíp cấp cứu do PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu chỉ huy đã sẵn sàng ở vùng đệm của bệnh viện để tiếp nhận người bệnh.
Cứu thương từ BVĐK Hà Đông tiếp cận vùng đệm của Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Dây chuyền cấp cứu ngừng tuần hoàn lập tức được khởi động.
Kíp cấp cứu nhanh chóng ép tim ngay trên cáng, hỗ trợ hô hấp và khẩn cấp đưa bệnh vào khu can thiệp cao trong Khoa Cấp cứu.
Sau 15 phút, bệnh nhân tái lập tuần hoàn và được điều trị tại khu vực cách ly đặc biệt của Khoa Cấp cứu.
Tuy nhiên, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân ở chỉ số vô cùng thấp: Tình trạng sốc nặng, huyết áp kiểm soát khó khăn với các thuốc vận mạch liều cao, ống dẫn lưu ổ bụng ra máu đỏ, tình trạng toan chuyển hoá nặng và rối loạn đông máu...
Ngay lập tức bệnh nhân được thực hiện các kĩ thuật hồi sức chuyên sâu, một khối lượng hồng cầu lớn cùng với các chế phẩm máu khác (khối tiểu cầu, plasma tươi đông lạnh, cryo) được truyền cho người bệnh
Nhận định đây là một trường hợp sốc nặng, nguy cơ tử vong cao, việc hồi sức cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, Ban Giám đốc bệnh viện đã tổ chức triển khai hội chẩn liên khoa để tìm ra phương án tối ưu.
Cuộc hội chẩn do TS. Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc bệnh viện chủ trì quy tụ các chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực... đã diễn ra tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.
Các kịch bản, các phác đồ điều trị được vạch ra để đưa ra phương án điều trị tích cực nhất cho bệnh nhân, kể cả ECMO – tuần hoàn ngoài cơ thể cũng đã được sẵn sàng sử dụng. Hội đồng hội chẩn đã thống nhất chẩn đoán: Hôn mê sau ngừng tuần hoàn, mất máu nặng, rau bong non, rối loạn đông máu đã cắt tử cung bán phần. Tập trung mọi nguồn lực cao nhất để hồi sức chuyên sâu.
ECMO là tên viết tắt của phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể” (Extracorporeal Membrane Oxygenation). Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và/hoặc phổi được nghỉ ngơi và hồi phục.
Tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng, bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn lần 2. Kíp cấp cứu tiếp tục thực hiện ép tim. Hy vọng sống sót của bệnh nhân mong manh, leo lét như ngọn đèn trước gió. 15 phút, 30 phút, 45 phút rồi 60 phút ép liên tục nhưng trái tim của sản phụ T. vẫn không có nhịp.
Với sự quyết tâm còn nước còn tát, các biện pháp về hồi sức tích cực vẫn được tiến hành dưới sự chỉ đạo của PGS.TS. Nguyễn Văn Chi. Sau hơn 120 phút ép tim liên tục, bằng sự kiên trì và quyết tâm của kíp cấp cứu A9, sản phụ T tái lập tuần hoàn trở lại.
PGS. Nguyễn Văn Chi cho biết, bình thường sau 60 phút ép tim mà không có dấu hiệu sinh tồn thì có thể dừng nhưng bằng sự kiên trì và quyết tâm còn nước còn tát, kíp cấp cứu tiếp tục duy trì thời gian ép tim lên 120 phút. Và điều kỳ diệu đã đến với người mẹ 3 con này.
Tuy nhiên, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân vẫn rất bấp bênh, nguy cơ tử vong rất cao, mặc dù đã tiến hành các biện pháp hồi sức hiện đại đã được sử dụng.
Mọi nguồn lực được tập chung, mọi nỗ lực chuyên môn kĩ thuật được huy động ở mức độ cao nhất. Các máy móc hiện đại nhất cũng được sử dụng trong việc theo dõi và điều trị cho người bệnh...
Sau 24 giờ điều trị tích cực, tình trạng huyết động của bệnh nhân dần ổn định, tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần sự hỗ trợ của máy thở, tiếp tục truyền 4,8 l máu (6 đơn vị khối hồng cầu và các chế phẩm máu khác).
Sau 48 giờ điều trị, tình trạng bệnh nhân có xu hướng cải thiện dần, huyết động, hô hấp, rối loạn đông máu và tình trạng toan hoá máu được đã có các dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, tình trạng mát máu vẫn tiếp diễn, sonde dạ dày bệnh nhân ra máu đỏ tươi. bệnh nhân lập tức được nội soi dạ dày cầm máu cấp cứu.
Sau 72 giờ, huyết động bệnh nhân đã ổn định hơn, HA 110/70 mmHg, không còn toan chuyển hoá... bệnh nhân được ngừng an thần đánh giá ý thức. Điều đáng mừng là sau thời gian dài ngừng tim nhưng các dấu hiệu về tri giác của bệnh nhân có biểu hiện phục hồi.
Đến 14 giờ 30’ ngày 7/4, sau khi đã ngừng tất cả các thuốc an thần, sản phụ T. đã hoàn toàn tỉnh táo mà không cần đến các máy hỗ trợ hô hấp và một số thiết bị chuyên sâu hỗ trợ tuần hoàn.
Lúc này các bác sĩ mời anh Hoàng Văn Toàn, chồng bệnh nhân vào gặp vợ sau 5 ngày thập tử nhất sinh, hai lần chạm lưỡi hái tử thần.
Khoảnh khắc được gặp nhau, hai vợ chồng mừng mừng, tủi tủi, chỉ biết cầm tay nhau khóc trong niềm vui khôn xiết.
Anh Toàn chia sẻ: “5 ngày qua là những chuỗi ngày buồn vui lẫn lộn. Ngày từ lúc ở Bệnh viện Hà Đông, khi các bác sĩ giải thích là vợ tôi nguy kịch, phải chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, tôi đồng ý ngay.
Vì tôi biết, được đến Bệnh viện Bạch Mai là vợ tôi có cơ hội sống, lúc đó tôi chả nghĩ gì đến tâm dịch, hay COVID mà chỉ cần vợ được sống thôi.
Rồi đêm ngày 5/4, bác sĩ trưởng khoa lại gọi tôi vào thông báo về tình trạng vô cùng nguy kịch của vợ, gia đình phải chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Lúc đó, tôi chỉ biết xin phép bác sĩ cho tôi được ra ngoài, tôi đã khóc một mình khoảng 30 phút rồi mới gọi điện về báo cho gia đình.
Hôm nay, vợ tôi được sống rồi, tôi mừng lắm, tôi xin cảm ơn các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của Khoa Cấp cứu A9, tôi cảm ơn nhiều lắm”.
9 giờ ngày 9/4/2020, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, ý thức và vận động hồi phục hoàn toàn. Ngừng tim 2 lần, lần lâu nhất là 120 phút nhưng khi thoát khỏi của tử, người mẹ trẻ vẫn nhớ mình có 3 con, vẫn biết rằng, cháu bé sơ sinh đã được về nhà, vẫn nhớ từ tình tiết nhỏ là đã bị ngất từ trước khi sinh... điều đó chứng tỏ não bộ của bệnh nhân không bị thương tổn.
Đây là một trong những kỳ tích của nền y học Việt Nam. Có được kỳ tích này là nhờ sự nỗ lực và trí tuệ tập thể của tất cả các chuyên gia đầu ngành được quy tụ tại Bệnh viện Bạch Mai.
Sự hồi sinh của sản phụ T. và nhiều bệnh nhân khác đã minh chứng cho quyết định sáng suốt của Bộ Y tế, giao cho Bệnh viện Bạch Mai dù bị phong tỏa, bị cách ly nhưng vẫn tiếp nhận những bệnh bệnh nhân rất nặng từ các tuyến chuyển về. Dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn nhất, Bệnh viện Bạch Mai vẫn luôn khẳng định vị trí của mình trong hệ thống y tế Việt Nam.