Những người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với hương hoa, phấn hoa sữa, sợi lông nhỏ ở hoa sẽ gây tái phát cơn dị ứng, tái phát cơn hen, bị mẩn ngứa và thậm chí là nổi mụn, ban đỏ trên da khi tiếp xúc với chúng.
Chị Thanh Nga (sống trên phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ‘trước đây trên phố chỉ lác đác vài cây hoa sữa, hương thơm thoảng theo gió rất dễ chịu.
Nhưng những năm gần đây, hoa sữa được trồng cả dãy dài trên phố Duy Tân, vào thời điểm nở rộ hương hoa nồng nặc gây khó thở, nhức đầu. Tôi thường phải đóng kín cửa để tránh mùi hương và phấn hoa bay vào nhà’.
Đồng cảnh ngộ với chị Thanh Nga, bà Nguyễn Thị Tộ (70 tuổi ở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thường cảm thấy choáng váng đầu óc, mệt mỏi, khó thở khi mùa hoa sữa đến.
‘Tôi bán hàng nước dưới gốc cây hoa sữa trước cửa nhà, vào mùa hè cây cho bóng mát, là địa điểm lý tưởng để bán hàng.
Nhưng đến cuối thu, đầu đông hoa nở tôi phải nghỉ hàng cả tháng chỉ vì mùi hoa sữa quá nồng nặc. Tôi nhớ có mùa hoa, tôi tiếc rẻ vẫn bày hàng để bán và rồi bị ốm, mệt mỏi cả tuần mới khỏi’.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, hương hoa sữa rất nồng, nếu ngửi ít thì thấy nồng nàn, ngọt ngào, nhưng nếu cả phố đều là hoa sữa sẽ thành nồng nặc, khó thở và không tốt cho sức khỏe, nhất là những người có bệnh về đường hô hấp, bệnh dị ứng.
Hơn nữa, hoa sữa và quả có rất nhiều lông, những sợi lông nhỏ này theo gió bay trong không khí sẽ làm ảnh hưởng đến đường hô hấp của con người.
Đặc biệt, với những người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với hương hoa, phấn hoa, sợi lông nhỏ ở hoa sẽ gây tái phát cơn dị ứng, tái phát cơn hen, bị mẩn ngứa và thậm chí là nổi mụn, ban đỏ trên da khi tiếp xúc với chúng.
Bởi, phấn hoa, trong đó có phấn hoa sữa là một trong những dị nguyên gây khởi phát dị ứng.
Với những người bị bệnh viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… những mùi kích hoạt như hương hoa sữa sẽ làm cho người bệnh khó chịu, bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Khi những người bị các bệnh đường hô hấp, người có cơ địa dị ứng hít phải hương hoa sữa, phấn hoa sữa sẽ làm bệnh nặng hơn, hay tái phát bệnh, cơn khó thở tăng lên…
Nhất là thời điểm hoa sữa nở rộ sẽ bị khó thở, nhức đầu, chóng mặt… và ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.
Do đó, để hoa sữa luôn đẹp, hương thơm của nó có giá trị thì việc trồng hoa sữa phải có thẩm mĩ, phải trồng văn minh, tức là trồng cách xa nhau, xa khu dân cư và trồng xen kẽ với các loại cây khác chứ không phải trồng thành hàng hàng, dãy dãy như bây giờ’.
Cách phòng bệnh dị ứng và bệnh đường hô hấp tái phát khi hoa sữa vào mùa
- Tránh tiếp xúc với phấn hoa sữa, hương hoa sữa và lông hoa sữa
- Không di chuyển ở những tuyến đường, phố trồng nhiều hoa sữa
- Bịt khẩu trang, quàng khăn, mặc quần áo kín để mũi, họng, da không tiếp xúc với phấn hoa sữa
- Vệ sinh mũi họng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý
- Khi có dấu hiệu bị dị ứng cần tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ.