Đối tượng Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi) điều trị ở BV Tâm thần Trung ương I đã cải tạo phòng bệnh thành “động bay lắc”, từng được chẩn đoán mắc rối loạn cảm xúc. Bệnh này nguy hiểm thế nào?
Mới đây, vụ việc đối tượng Nguyễn Xuân Quý, 38 tuổi, điều trị ở BV Tâm thần Trung ương I đã cải tạo phòng bệnh thành “động bay lắc” để sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép ma tuý đã gây chấn động dư luận.
Trước đó, Nguyễn Xuân Quý đã được Viện Pháp Y Tâm thần Trung ương kết luận mắc rối loạn cảm xúc thực tổn, từng thoát chết trong vụ tai nạn tàu hỏa khiến 6 người tử vong ở huyện Thường Tín vào tháng 10/2016.
Nói về căn bệnh rối loạn cảm xúc, TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương chia sẻ: “Rối loạn cảm xúc là căn bệnh phổ biến thứ hai trong các rối loạn tâm thần, với biểu hiện là người bệnh luôn trong trạng thái vui buồn thất thường. Nói chung, những rối loạn trầm cảm được quan tâm nhiều hơn vì các rối loạn này có bệnh sinh phức tạp và điều trị khó hơn so với rối loạn hưng cảm”.
Theo bác sĩ Thu, có nhiều giả thuyết giải thích nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc, bao gồm: do di truyền; do dẫn truyền thần kinh; do rối loạn nội tiết; yếu tố tâm lí…
Những biểu hiện của chứng rối loạn cảm xúc phụ thuộc vào dạng rối loạn là trầm cảm hoặc hưng cảm.
Các biểu hiện của rối loạn trầm cảm sẽ bao gồm: cảm xúc bị ức chế; tư duy bị ức chế; hoạt động bị ức chế…
- Với cảm xúc bị ức chế, người bệnh thấy chán nản, buồn rầu vô hạn, biểu hiện rõ ràng ra nét mặt, chân tay rã rời, cảm giác khó chịu, bất an và nhìn sự vật cả quá khứ, hiện tại, tương lai với màu sắc ảm đạm, thê thảm.
- Còn với tư duy bị ức chế, quá trình liên tưởng của bệnh nhân chậm chạp, dòng tư duy bị ngừng trệ, khó diễn đạt ý nghĩ của mình thành lời nói, thường xuất hiện các ý nghĩ tự ti, hoang tưởng tự buộc tội, không dám ăn, không dám nhìn mọi người và có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát.
- Với hoạt động bị ức chế, bệnh nhân sẽ có biểu hiện ngồi im hàng giờ, đi lại chậm chạp, khúm núm như kẻ chạy trốn và có thể có những hành vi tự sát.
Ngoài ra, người bị mắc chứng rối loạn cảm xúc còn có một số triệu chứng rối loạn khác như chú ý trì trệ, trí nhớ giảm, có thể gặp một số ảo tưởng hoặc ảo giác phản ánh hoang tưởng tự buộc tội. Bệnh nhân có thể chán ăn, cơ thể gầy, rối loạn bài tiết mồ hôi, rối loạn kinh nguyệt.
Các biểu hiện của rối loạn hưng cảm bao gồm: cảm xúc hưng phấn; tư duy hưng phấn; hoạt động hưng phấn.
- Với biểu hiệu cảm xúc hưng phấn, người bệnh có tăng khí sắc, luôn vui vẻ, lạc quan quá mức, thích cuời đùa, thích diễu cợt người khác và niềm vui của họ có tính chất truyền cảm.
- Tư duy hưng phấn, là đặc trưng của bệnh nhân hưng cảm, các biểu tượng xuất hiện rất nhanh, quá trình liên tưởng mau lẹ, dòng suy nghĩ luôn thay đổi, đôi khi gặp các hoang tưởng khuếch đại mang tính chất tưởng tượng không bền vững.
- Hoạt động hưng phấn, bệnh nhân thường ít ngủ, đi lại nhiều, can thiệp vào mọi việc nhưng không có công việc nào kết thúc, hành vi có màu sắc kịch tính và nhiều khi rất lố bịch. Hoạt động hưng phấn cao độ, có thể xuất hiện các giải tỏa bản năng như đập phá, đánh người, rượu chè và loạn dục.
Bác sĩ Thu cho biết, rối loạn cảm xúc và các dạng bệnh tâm thần khác thường có chu kỳ ngày càng nhanh, triệu chứng tăng dần về mức độ và tần suất.
Đặc biệt là khi kết hợp với những yếu tố như lạm dụng chất gây nghiện, rối loạn lo âu, tuổi phát bệnh sớm, sử dụng thuốc chống trầm cảm, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, có hành vi/ suy nghĩ tự tử,...
Nếu không thăm khám và điều trị sớm, rối loạn cảm xúc có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm dưới đây.
Giảm sức khỏe: Thống kê cho thấy, rối loạn cảm xúc - đặc biệt là hội chứng trầm cảm thường phối hợp với các bệnh mãn tính (20% trường hợp), chủ yếu là ung thư, tiểu đường và nhồi máu cơ tim. Rối loạn cảm xúc gây ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng của các cơ quan trong cơ thể và làm tăng nguy cơ tử vong. Với đối tượng 55 tuổi đi kèm với những bệnh lý kể trên, tỷ lệ tử vong có thể cao gấp 4 lần so người bình thường.
Tự sát: Tự sát là ý nghĩ thường trực ở những bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc - nhất là ở người mắc hội chứng trầm cảm và rối loạn lưỡng cực có mức độ nặng. Từ ý nghĩ, bệnh nhân bắt đầu có hành động tự hủy hoại bản thân hoặc thậm chí là tự sát. Ở nước ta, tỷ lệ tự sát ở các bệnh nhân bị trầm cảm là khoảng 23.2%.
Ảnh hưởng đến kinh tế xã hội: Rối loạn cảm xúc và các bệnh tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế bản thân, gia đình và xã hội. Các trạng thái khí sắc như buồn bã, hưng phấn, thích thú,... quá mức đều tác động đến hiệu suất lao động, học tập. Hệ quả là khiến đời sống cá nhân giảm thấp và làm tăng gánh nặng lên gia đình, xã hội.
Để giảm những biến chứng do rối loạn cảm xúc gây ra, bác sĩ Thu khuyến cáo, khi thấy người thân có dấu hiệu của bệnh thì nên đưa người thân đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị sớm cả bằng thuốc và liệu pháp tâm lý.