10 năm trực Tết tại bệnh viện, với Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Minh Đức BV Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội) vừa là nhiệm vụ cao cả, vừa là trách nhiệm của một người bác sĩ và cũng chứa đựng những cảm xúc đặc biệt.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Minh Đức BV Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội): Tôi đã có 10 năm tham gia trực Tết tại bệnh viện, từ khi còn là sinh viên. Các bác sĩ trực Tết sẽ có người trực ngày 30, đêm giao thừa, trực ngày Mồng 1, Mồng 2, Mồng 3…
Mỗi ngày một lượng bệnh nhân khác nhau, nhưng công việc của các bác sĩ trực Tết thì đều giống nhau ở chỗ căng thẳng hơn, mệt mỏi hơn và cũng có những dấu ấn khá đặc biệt.
Nói thật là, cho tới thời điểm hiện tại, cảm xúc của tôi và các bác sĩ trực Tết nhiều năm đều đã chai sạn, chai lỳ. Trực ngày Tết cũng như ngày thường, chúng tôi chỉ tập trung vào cứu bệnh nhân thôi.
Nói về cảm xúc, thì phải nhắc tới lần đầu tiên và khi tôi còn trẻ. Tôi tham gia trực Tết khi còn là sinh viên. Căng thẳng có, buồn có nhưng cũng hào hứng.
Ngày đó, kinh nghiệm làm việc chưa nhiều mà lượng bệnh nhân vào viện đa số đều là bệnh nhân nặng, nguy kịch nên tôi căng thẳng lắm.
Sợ nữa. Chỉ sợ không cứu được bệnh nhân, sợ bệnh nhân chết đúng đêm giao thừa. Rồi tôi sợ nhìn ánh mắt và sợ nghe tiếng khóc của người nhà bệnh nhân khi người thân của họ đứng giữa làn ranh giới sống và chết.
Vẫn biết là mình cùng với các thầy đã nỗ lực hết sức để cứu nhưng có những trường hợp bệnh nhân xấu số qua đời, năm đó, Tết thực sự nặng nề.
Rồi buồn nữa chứ. Ai phải đón Tết xa nhà, không được ở cạnh bố mẹ, người thân trong thời khắc năm mới chả buồn.
Nhưng trên tất cả là hào hứng và tự hào. Mỗi một lần trực Tết, đối với sinh viên ngành Y, với những bác sĩ trẻ, đó thực sự là cơ hội học hỏi rất tốt.
Bệnh nhân vào viện ngày Tết thường rất nặng, tôi học được kỹ năng xử lý, học được sự bình tĩnh, chắc chắn khi ra y lệnh của các thầy, tôi cũng học được cả sự đối mặt với những tình huống xấu nhất. Từ đó tôi trưởng thành hơn.
Tôi cũng được trải qua rất nhiều cảm xúc tự hào khi đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình cứu sống bệnh nhân trong những ngày đầu năm mới.
Đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi người bác sĩ, đặc biệt trong thời khắc ý nghĩa đầu Xuân. Đó chính là động lực để từ đó về sau, trực Tết đêm giao thừa không còn buồn và mệt mỏi nữa.
10 lần trực Tết trôi qua, mỗi lần là 1 kỷ niệm khác nhau, một dấu ấn khác nhau trong cuộc đời tôi. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, khi nhận nhiệm vụ trực Tết thì không còn nhiều cảm xúc như trước nữa.
Tôi, các bác sĩ ở đây và người thân của chúng tôi đã quen với việc thiếu vắng một thành viên trong thời khắc giao thừa, hoặc những ngày đầu tiên năm mới.
Nếu nói về cảm xúc của bác sĩ những ngày trực Tết thì hiện tại, đó chỉ là sự rung động khi thấy sự lo lắng của người nhà bệnh nhân khi bệnh nhân đứng giữa sự sống mong manh, hoặc khi chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân xấu số trong ngày Tết.
Mỗi khi nhận nhiệm vụ trực Tết, chúng tôi chỉ luôn cố gắng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ cao cả đó là giữ lại, đem lại sự sống cho bệnh nhân.
Ngày Tết, đặc biệt là giao thừa, lượng bệnh nhân vào cấp cứu đông hơn ngày thường rất nhiều. Bệnh nhân tai nạn giao thông, bệnh nhân va chạm, xô xát, bệnh nhân ngộ độc thực phẩm… Các bác sĩ trực Tết liên tục căng mình đón tiếp, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.
Điều rất đặc biệt trong đêm Giao thừa tại bệnh viện, ấy là sự khác biệt không khí đón giao thừa.
Bệnh việt Việt Đức nằm trên phố Phủ Doãn, gần hồ Hoàn Kiếm – nơi diễn ra nhiều hoạt động sôi động để đón chào năm mới. Chỉ cách một cánh cổng thôi, bên ngoài phố xá tưng bừng, tiếng phao giao thừa vang rộn ràng, giòn giã.
Còn bên trong cánh cổng bệnh viện là một không khí hoàn toàn trái ngược. Tiếng còi xe cấp cứu vội vàng, tiếng máy thở gấp gáp, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch, tiếng hò nhau của các bác sĩ đặt ống thở, đặt ven, truyền dịch, cấp cứu bệnh nhân, tiếng chỉ định y lệnh…
Ngoài kia, mọi người cùng nhau đếm ngược để bước sang năm mới, còn trong khoa, các y bác sĩ lại chạy đua với thời gian, từng giây, từng phút để cứu bệnh nhân. Có những khi đang trong phòng mổ, cấp cứu, thời khắc giao thừa trôi qua từ lúc nào không biết nữa.
Chỉ có sự giống nhau duy nhất trong đêm Giao thừa ở bệnh viện và môi trường bên ngoài, đó là tình cảm chân thành dành cho nhau. Các bác sĩ và người nhà bệnh nhân cùng động viên nhau cố gắng để mang lại điều tốt nhất cho người bệnh.
Đêm giao thừa, các y bác sĩ trực bệnh viện luôn nhận được sự quan tâm của các thầy lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa, phòng.
Lãnh đạo bệnh viện sẽ đi chúc Tết bệnh nhân, động viên anh em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, giảm thiểu những tình huống xấu xảy ra.
Nhiều chứ. 10 năm trực Tết, bao nhiêu ca bệnh phải xử lý trong ca trực của mình, nhiều khi nhớ không xuể. Tôi nhớ nhiều những cuộc mổ xuyên giao thừa mà chúng tôi vẫn nói vui “những cuộc mổ kéo dài 2 năm”.
10 năm trực Tết của tôi, cũng đã phải chứng kiến sự mất mát, đau đớn của người nhà bệnh nhân khi bệnh nhân không qua khỏi và tôi cũng hiểu được cảm giác vui mừng khi người bệnh của tôi được sống.
Tôi nhớ cách đây vài năm, khi thời khắc giao thừa chuẩn bị tới, bỗng nghe tiếng xe cấp cứu réo gấp gáp, tiếng chân người chạy vội vàng, tiếng khóc của gia đình người bệnh khi bệnh nhân vào viện bị chấn thương phần ngực rất nặng.
Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng sốc, có hiện tượng chèn ép tim. Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ cho chỉ định siêu âm tim tại phòng cấp cứu, phát hiện tràn máu ngoài tim, chẩn đoán vỡ tim trong bao. Tình trạng bệnh nhân rất nặng, bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu ngay, khâu lại chỗ vỡ tim.
Ca mổ đầy căng thẳng nhưng cuối cùng bệnh nhân cũng qua cơn nguy kịch. Khi ra khỏi phòng mổ, giao thừa đã đến tự lúc nào.
Những mệt mỏi tan biến khi thông báo cho người nhà bệnh nhân, tiếng khóc ngừng lại và những cái nắm chặt tay bác sĩ thay lời cảm ơn.
Rồi có bệnh nhân có sẹo hẹp khí quản, đứng trước lằn ranh sống và chết. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng khó thở, chỉ lúc sau ngã vật ra, không thở được, chân tay tím tái lại.
Trước kia bệnh nhân bị chấn thương sọ não, phải nằm thở máy và đặt ống nội khí quản. Sau khi khỏi bệnh, rút ống nội khí quản, phần khâu tạo thành sẹo hẹp. Sẹo hẹp gây ra tình trạng tắc nghẽn, khi bị viêm nhiễm cấp, sẹo hẹp gây tắc vào vùng khí quản, giống như khi bịt túi nion vào mũi.
Tôi nhanh chóng chỉ định cấp cứu khẩn cấp, mở khí quản, rạch khí quản đưa ống vào, bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần, ê kíp cũng được phen “chạy đua với thần chết”.
Tôi may mắn có bố mẹ và vợ rất hiểu đặc thù của công việc người bác sĩ, đặc biệt là khi tôi công tác tại bệnh viện Việt Đức, nơi luôn tiếp nhận những bệnh nhân nặng và bệnh nhân do tuyến dưới chuyển lên. Gia đình thực sự là chỗ dựa rất lớn về tinh thần cho tôi.
Một điều dễ hiểu là người thân của tôi cũng rất mong tôi được ở nhà trong đêm Giao thừa để cùng sum vầy bên nhau, cùng chúc nhau năm mới an khang. Nhưng gia đình cũng hiểu rất nhiều người bệnh luôn cần chúng tôi.
Thời tôi còn là bác sĩ trẻ, bố mẹ tôi mỗi khi thấy tôi đi trực Tết thường không hỏi bao giờ con về mà thường pha cho tôi ly sữa nóng, hoặc ly nước cam sau bữa cơm ở nhà, dặn dò mang áo ấm.
Còn vợ tôi cũng chưa bao giờ than phiền phải đón Tết vắng chồng mà luôn cùng bố mẹ tôi vui vẻ đón năm mới.
Những điều tưởng chừng rất đơn giản đó, lại khiến cho tôi yên tâm làm việc, nỗ lực hết sức để cùng đồng nghiệp mang đến cho người bệnh những điều tốt nhất.
Thường thường thì sau khi trực đêm xong, thực sự điều muốn nhất là ngủ một giấc cho khỏe sau 1 đêm trắng. Nhưng trực Tết cũng đặc biệt ở chỗ, vì không khí ngày Tết hân hoan, gia đình sum vầy nên khi về nhà, tắm rửa cho thoải mái xong là tôi sẽ cùng gia đình đi chúc Tết.
Không chỉ tôi mà các bác sĩ trải qua trực Tết đều mong muốn số bệnh nhân cấp cứu vì những tai nạn, những va chạm giảm đi để các gia đình không phải “mất Tết”, đội ngũ bác sĩ cũng đỡ căng thẳng hơn, đỡ chứng kiến những cảnh đau lòng trong thời khắc ý nghĩa của một năm.
Tôi cũng mong, mỗi người dân hãy biết quý trọng sức khỏe và tính mạng của bản thân. Mỗi dịp Tết, lễ, hãy ứng xử văn minh, thực hiện đúng Luật Phòng chống tác hại rượu bia mới được ban hành.