Đôi khi bố mẹ sẽ chẳng thể nhận ra được những sai lầm, những phương pháp dạy con của mình đã quá lỗi thời và cần sửa ngay nếu không muốn con hình thành nên thói quen xấu.
1. Dạy con mách lẻo là xấu xa
Khi nuôi dạy con, các bậc cha mẹ vẫn thường cảnh cáo trẻ rằng hãy bỏ ngay cái thói mách lẻo đấy đi nha và trẻ chắc chắn sẽ thực sự tuân thủ theo quy tắc đó.
Kết quả là khi chúng bị bắt nạt, gặp chuyện bên ngoài, chúng không dám kể với ai vì sợ gắn mác là đồ mách lẻo. Hãy khéo léo nhắc nhở để con phân biệt đâu là mách lẻo, đâu là sự chia sẻ các tình huống cần thiết giữa con và người mà con tin tưởng nhất, chính là bố mẹ.
2. Nói với con khóc lóc là xấu xa
Nhiều bậc cha mẹ Việt thường hay dạy con trai: "Con trai không được khóc. Khóc nhè là xấu lắm". Cảnh tượng không hiếm mà ta có thể bắt gặp là bố mẹ liên tục quát mắng con “Im lặng!”, "Nín ngay!" thay vì tìm ra nguồn gốc vấn đề.
Cách phản ứng với cảm xúc tiêu cực này của trẻ là rất tồi tệ bởi trẻ cần được giải tỏa cảm xúc để tránh gây áp lực quá lớn tới hệ thần kinh còn non nớt của mình.
Trên thực tế, khả năng biểu lộ cảm xúc tiêu cực là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sức khỏe tâm lý của người lớn. Vì vậy hãy để trẻ thoải mái biểu lộ cảm xúc tiêu cực, cùng ngồi lại khi con đã bình tĩnh và đi tìm nguồn gốc những cảm xúc đó của con.
3. Bố mẹ dạy trẻ "thảo mai"
Làm bố mẹ ai cũng mong con mình sẽ chung sống hòa thuận với tất cả mọi người và không muốn trẻ nghe được bất kỳ lời lẽ xúc phạm hay mâu thuẫn với bạn bè. Nhưng để đạt được điều này, đôi lúc trẻ phải chọn cách ứng xử “tử tế với tất cả mọi người”.
Việc sống chan hòa với mọi người rất quan trọng, nhưng cha mẹ cũng đừng bắt trẻ làm hài lòng tất cả mọi người, bởi để được người khác yêu thích, đôi khi trẻ sẽ phải hy sinh lợi ích và mục tiêu của bản thân mình.
4. Thành tích học tập quyết định tất cả
Có 7 dạng thức thông minh khác nhau, bao gồm: trí thông minh thị giác - không gian; trí thông minh vận động; trí thông minh âm nhạc; trí thông minh giao tiếp; trí thông minh nội tâm.
Vì vậy trí thông minh của con bạn không cao như bạn mong đợi, đừng đổ lỗi mà hãy cùng tìm ra những khả năng tiềm ẩn, những thế mạnh của con.
5. Phải cho con những thứ tốt nhất
Chuyên gia tài chính Ashley Eneriz tin rằng các bậc phụ huynh tiêu nhiều tiền hơn cần thiết cho trẻ. Và cô đưa ra lời khuyên cha mẹ nên cân nhắc liệu món đồ mua cho trẻ có thực sự cần thiết. Có thể cha mẹ đang cố gắng dành cho trẻ những thứ bản thân họ không có khi còn nhỏ, hoặc họ đang cố an ủi bản thân vì những sai lầm mà họ mắc phải.
Thực tế, tiết kiệm tiền nuôi dạy trẻ không “biến” mình thành người cha, người mẹ tồi tệ. Ngược lại, cha mẹ có lối sống tiết kiệm có thể trở thành một tấm gương tốt cho trẻ noi theo và dạy trẻ cách kiềm chế tiêu tiền cho những món đồ vô tác dụng.
6. Tước đoạt, ném bỏ món đồ con yêu thích là hình phạt xứng đáng
Đây là thói quen của rất nhiều cha mẹ Việt. Khi họ tức giận và muốn trừng phạt con, họ sẽ ngay lập tức cấm con làm điều con thích, cấm con đưa bạn đến nhà... Hay hung hăng hơn là đập nát món đồ chơi, một kỷ vật quý giá của con.
Lấy đồ vật trẻ yêu thích hay tước đi thời gian chơi với bạn bè không hề giúp trẻ nhận ra lỗi sai. Ngược lại, trẻ sẽ tin rằng người có quyền lực có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn.
7. Dạy con lúc nào cũng phải học
Một số cha mẹ ngày nay cố gắng gửi con tới lớp ngoại khóa này đến lớp ngoại khóa khác. Họ muốn đảm bảo rằng con trẻ không bị buồn chán ở mọi thời điểm, và trên hết, không bổ ngang thì bổ dọc, việc học lúc nào cũng tốt thôi mà.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học khẳng định rằng trẻ sẽ không bao giờ học được cách tự làm hài lòng bản thân nếu cha mẹ không cho trẻ cơ hội rảnh rỗi hay tự chơi.
8. Con nên nhường nhịn đồ chơi
Một trong những quan niệm dạy con phổ biến của nhiều bậc cha mẹ đó là trẻ nhỏ cần học cách chia sẻ đồ chơi với người khác nhưng điều này chưa hẳn là đúng. Đứa trẻ lớn hơn thường bị ép phải nhường nhịn cho đứa nhỏ hơn.
Trên thực tế, ép một đứa trẻ chia sẻ đồ chơi khi chúng không muốn càng khiến trẻ ích kỷ hơn bởi trẻ sẽ không bao giờ biết được khi nào cha mẹ muốn chúng thể hiện sự hào phóng của bản thân.