Từ ngữ có sức mạnh rất lớn. Thông qua từ ngữ bạn sử dụng người ta có thể đánh giá bạn mạnh hay yếu, tự tin hay tự ti, đáng tin cậy hay không đáng tin,...
Nếu bạn muốn nói tiếng Anh một cách tự tin và cho người khác cảm nhận là bạn tự tin, thì ngoài ngữ điệu, cách dùng từ cũng có vai trò quan trọng quyết định cách người khác đánh giá bạn.
Dưới đây là 5 cụm từ ngữ bạn cần tránh nếu muốn nói tiếng Anh tự tin.
1. "This is just my opinion, but…" (Đây chỉ là quan điểm của tôi thôi, nhưng...)
Do thói quen, do lo âu hay là do muốn tỏ ra lịch sự nên nhiều người thường dùng cách nói này để nêu quan điểm. Tuy nhiên đây không phải cách nói tích cực, nhất là khi đang cần thể hiện quan điểm trong công việc.
Một cụm từ khác bạn cũng nên tránh là "I may be wrong, but…" (Có thể tôi sai, nhưng....)
Những cụm từ này khiến bạn có vẻ thiếu sự tin tưởng đối với quan điểm của bạn. Bản thân bạn đang hạ thấp quan điểm của mình và điều đó sẽ khiến người nghe cũng không coi trọng quan điểm của bạn một cách vô thức.
Do đó nếu muốn thể hiện quan điểm thì hãy nói một cách chắc chắn, sử dụng các nghiên cứu, dẫn chứng để chứng minh quan điểm và trình bày một cách tự tin.
Cách nói thay thế để tự tin hơn:
"We should take the decision to…,"
"I have no doubt that…"
"He is absolutely right."
"I take a different view."
Khi bạn muốn nói với ít tính khẳng định hơn, có thể dùng:
"My impression is that…"
"From my point of view,…"
"Speaking personally,…"
2. "I just wanted..." (Tôi chỉ muốn...)
Nhiều người thường dùng các cách nói như "I just wanted to let you know that I am going to…" (diễn tả dự định), "I just wanted to say that we should…" (đưa ra gợi ý).
Điểm yếu của cách nói "I just wanted…" là nghe giống như đang tự vệ trước khả năng bị từ chối.
Loại bỏ cụm từ này sẽ khiến câu nói của bạn mạnh hơn, mang tính trực tiếp hơn, nghe tự tin hơn.
Cách nói tự tin:
"I’m planning on…"
"I’m looking forward to… V+ing"
"I suggest the following…"
3. "I don’t know." (Tôi không biết)
Dù đây là cách nói thẳng thắn trực tiếp, nhưng nó lại khiến bạn có vẻ như thiếu sự chuẩn bị, đặc biệt nếu bạn đang trả lời một câu hỏi khi đang thuyết trình hay phỏng vấn tuyển dụng.
Bạn không nhất định phải biết mọi thứ, nhưng bạn có thể diễn tả theo những cách nghe chuyên nghiệp hơn và không khiến người nghe hiểu lầm.
Cách nói tự tin hơn:
"I’ll find out."
"Let me clarify that for you in just a moment."
"Here’s what I can tell you."
"I’m not sure I’m the best person to answer that."
"Why don’t we ask (name)?"
"I’d like to ask the same question."
4. "Um", "Uh"
Rất nhiều người có thói quen nói "Um", "Uh" khi đang suy nghĩ. Tuy nhiên cụm từ này sẽ gây xao nhãng cho người nghe và khiến lời nói của bạn bớt hấp dẫn hơn.
Nếu bạn là người hay nói "Um", "Uh", lời khuyên cho bạn là khi được hỏi, hãy ngừng lại, dành 2 giây suy nghĩ về những gì sẽ nói. Khoảng lặng này sẽ mang lại 3 điểm lợi: Bạn bắt đầu câu trả lời một cách mạnh mẽ hơn, câu trả lời mang tính đáng tin cậy hơn, và bớt được những từ "Um", "Uh".
Cách nói thay thế:
Dùng những từ nối như: "However", "Moreover", "in spite of this."
"You see,"
"Now,"
5. "Kind of", "Sort of" (Kiểu như là...)
Những cụm từ yếu ớt này khiến lời nói của bạn có vẻ rụt rè, không chắc chắn. Một số cụm từ khác như "I suppose" (Tôi cho rằng) và "I guess" (Tôi đoán) cũng vậy.
Thay vào đó, hãy sử dụng những từ ngữ dứt khoát hơn để diễn tả điều mà bạn đã chắc chắn.
Các cụm từ thay thế:
"Definitely."
"Absolutely."
"Without a doubt."
"Certainly."
"Surely."
Theo Steven Hobson, giáo viên người Anh