Người bệnh hen phế quản thưởng có triệu chứng nặng hơn về mùa đông và xuân. Nhưng thực tế có không ít người bệnh gặp các triệu chứng ho, khó thở, khò khè, tức nặng ngực… vào mùa hè. Nguyên nhân do đâu?
Theo bác sĩ chuyên khoa hô hấp, BV Bạch Mai, có nhiều yếu tố có thể khởi phát cơn hen và làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh. Vào mùa hè, nhiều người bệnh hen phế quản vẫn gặp các triệu chứng ho, khó thở, khò khè, tức nặng ngực…là do 4 nguyên nhân sau.
Mùa hè thường có nhiều phấn hoa cỏ. Mật độ phấn hoa trong không khí thường cao nhất trước 9 giờ sáng. Với người bệnh bị hen dị ứng, phấn hoa có thể là một tác nhân kích thích mạnh mẽ gây cơn hen.
Độ ẩm không khí cao, luồng khí nóng có thể gây tăng viêm trong đường thở. Không khí ẩm thường nặng hơn không khí bình thường, do đó sẽ khó thở hơn. Trong môi trường nóng ẩm, làm tăng tiết mồ hôi, có thể gây mất nước, làm con người thở với tốc độ nhanh hơn. Điều này có thể gây khó thở cho người bệnh.
Không khí ẩm thực sự là một môi trường tốt cho nấm mốc phát triển và phát tán vào không khí. Đây cũng là môi trường tuyệt vời cho bọ nhà phát triển. Chúng là 2 trong số các chất gây dị ứng chính với người bị hen.
Trong những ngày nắng nóng, lượng ozone trong không khí có thể tăng lên. Cùng với đó là các chất ô nhiễm trong không khí bị tích tụ lại. Các chất này làm trầm trọng hơn các triệu chứng của hen và làm giảm khả năng kiểm soát hen.
Vào mùa hè, các hình thái thời tiết khắc nhiệt: mưa giông, bão tố phổ biến hơn. Có nhiều báo cáo cho thấy cơn hen có thể được khởi phát từ các hình thái thời tiết cực đoan đó. Những luồng không khí này có thể dẫn đến mức độ tập trung cao của phấn hoa và nấm mốc, đây có thể là một lý do giải thích cho sự gia tăng các cơn hen suyễn trong các cơn giông bão.
- Người bệnh hen phế quản cần tuân thủ phác đồ điều trị hen thường quy của mình. Nếu triệu chứng nặng hơn vào mùa hè, người bệnh cần thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa và đưa ra kế hoạch hành động theo mùa, có thể bao gồm việc kết hợp thêm thuốc và/hoặc điều chỉnh lối sống.
- Người bệnh không nên tự ý dừng thuốc điều trị hen nếu không có chỉ định của bác sĩ.
- Luôn có thuốc cắt cơn bên mình để có thể sử dụng ngay khi có triệu chứng của cơn hen. Bảo quản dụng cụ hít ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
- Nên sử dụng máy điều hòa và máy lọc không khí. Không để nhiệt độ trong phòng quá lạnh, độ ẩm quá cao.
- Không di chuyển các khu vực chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong và ngoài nhà.
- Nên ở trong nhà vào những ngày thời tiết xấu: quá nóng, độ ẩm quá cao, giông bão… Hạn chế các hoạt động ngoài trời nhiều nhất có thể.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, bao gồm chăn, ga, gối đệm và quần áo thường xuyên.
- Uống đủ nước, tham gia các hoạt động ngoài trời có chọn lọc khi thời tiết mát mẻ hơn và không gắng sức.
- Cố gắng tránh các tác nhân gây bệnh: khói, bụi, khói thuốc lá, thuốc lào, các tác nhân gây cơn hen đã biết trước đó…