4 người ‘đại kỵ’ với bánh trung thu, không nên ăn nhiều kẻo ‘rước họa vào thân’

Bánh trung thu rất ngon nên được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, có những đối tượng không nên ăn nhiều bánh trung thu kẻo gây họa cho sức khỏe.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bánh trung thu là một sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, trong đó thành phần chính của bánh là bột, đường, bơ, mỡ lợn, các loại hạt… Do bánh giàu năng lượng từ đường và chất béo nên với một số người, bánh trung thu là một mối nguy cơ lớn tới sức khỏe.

Bánh trung thu rất ngon nhưng không nên ăn nhiều

Ai không nên ăn nhiều bánh trung thu?

- Trẻ em: Bánh trung thu có nhiều chất béo, chất đạm động vật nên gây ra tình trạng khó tiêu cho trẻ. Đặc biệt với những trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh trung thu vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính và càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng. Hơn nữa, trong bánh trung thu có rất nhiều đường, bánh dẻo lại dính nên sau khi trẻ ăn bánh sẽ dính chặt vào răng gây sâu răng nhiều hơn.

- Người già: Những người cao tuổi thường có hệ tiêu hóa kém nên nếu ăn nhiều bánh trung thu sẽ gặp phải tình trạng khó tiêu. Đáng lưu ý là người già thường mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên nếu ăn nhiều bánh trung thu sẽ làm các bệnh mạn tính thêm trầm trọng hơn.

- Phụ nữ có thai: Dung nạp quá nhiều bột, đường trong bánh trung thu có thể gây ra đái tháo đường cho bà bầu. Ngoài ra, chất đạm khó tiêu trong bánh khiến bà bầu gặp phải tình trạng khó tiêu, ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và em bé. Do vậy, dù có thèm bà bầu cũng không nên ăn nhiều bánh trung thu.

Dung nạp quá nhiều bột, đường trong bánh trung thu có thể gây ra đái tháo đường thai kỳ. Ảnh minh họa

- Người thừa cân béo phì: Những người thừa cân béo phì, nhất là trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucse, nếu ăn nhiều bánh trung thu có thể gây ra tiểu đường. Lượng bột đường của 1 chiếc bánh dẻo hoặc 1 bánh nướng bằng 2 – 3 bát cơm (1 bát cơm 258g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Do đó, người thừa cân béo phì ăn nhiều bánh trung thu sẽ làm cho cân nặng tăng nhanh hơn.

Ăn bánh trung thu thế nào cho an toàn?

Bác sĩ Tiến cũng khuyến cáo thêm, phần lớn chất béo trong bánh trung thu từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại; chất béo lấy từ hạt dưa, hạt điều, vừng là có chút a cid béo không no có lợi.

Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc. Các vitamin trong bánh không nhiều lắm, đồng thời qua chế biến và bảo quản cũng đã hao hụt đáng kể.

Hơn nữa, xét về góc độ an toàn thực phẩm, bánh trung thu là một sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo mầu, chất bảo quản, chất chống mốc),…

Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm: thực phẩm bị ôi thui, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh (nấm mốc, tụ cầu, tả, lỵ,...), nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo mầu cấm sử dụng,... do sản phẩm quá thời hạn sử dụng, bảo quản không đúng yêu cầu...).

Nên chọn bánh trung thu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tốt cho sức khỏe

Vì vậy, để tốt cho sức khỏe, chỉ nên ăn một miếng nhỏ bánh trung thu (bằng 1/8 chiếc bánh). Sau khi ăn xong cần súc miệng ngay để không sâu răng.

Với những người thừa cân béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp. Ví như nếu đã ăn ½ bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Nếu không giảm phần cơm thì nhớ đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.

Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn thực phẩm, khi chọn mua bánh trung thu, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau:

- Về nhãn mác: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng gồm có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản... Sản phẩm có ngày sản xuất, có thời hạn sử dụng, tốt nhất là sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng.

- Về chất lượng: Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có mầu sắc khác thường, không có mùi khác lạ. Không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan