Những điều bố mẹ chưa biết về trẻ vị thành niên: Vì sao trẻ cảm thấy cô đơn và tự muốn kết thúc cuộc đời?

Theo chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành, khi trẻ bước vào giai đoạn vị thành niên, tâm sinh lý có nhiều thay đổi, môi trường xã hội mở rộng hơn và thách thức cuộc sống cũng nhiều hơn, nên một số trẻ bị rơi vào trạng thái tâm lý cô đơn.

Mới đây, Bộ Y tế công bố một khảo sát của nhóm nghiên cứu về sức khỏe, tâm lý của trẻ, cho thấy có 13% trẻ từ 13 - 17 tuổi cảm thấy cô đơn; có 7% trẻ luôn cảm thấy lo lắng; chỉ 30% bố mẹ hiểu các vấn đề của con; cứ 6-7 trẻ lại có 1 trẻ suy nghĩ nghiêm túc 1 lần về việc tự tử... 

Thời gian gần đây, tại Hà Nội liên tiếp có những vụ việc trẻ tự tử trong sự đau lòng của người thân và sự lo lắng của xã hội.

PV Gia Đình Mới đã có buổi trao đổi với chuyên gia tâm lýTrần Kim Thành (tác giả sách Dạy Con Tự Học và 10 Câu Hỏi Thông Thái Giúp Con Tự Học Xuất Sắc) về tâm lý của lứa tuổi này cũng như các lý do rất đến việc trẻ có những hành động bột phát, đau lòng.

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành - tác giả 2 cuốn sách nổi tiếng Dạy con tự học và 10 câu hỏi thông thái giúp con tự học xuất sắc.

PV: Theo khảo sát của Bộ Y tế, có tới 13% trẻ từ 13-17 tuổi luôn cảm thấy cô đơn? Theo chị, nguyên nhân nào khiến trẻ tuổi này rơi vào trạng thái đó? Vấn đề tâm lý ở tuổi này như thế nào, có gì phức tạp không?

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành: Là người thường xuyên gặp gỡ, chuyện trò cùng trẻ, qua những buổi coaching và trị liệu tâm lý cho những trẻ rơi vào trạng thái bất ổn, tôi nhận thấy có những lý do khiến trẻ tuổi vị thành niên dễ lo lắng, cô đơn, thậm chí nghĩ quẩn.

Thứ nhất, khi trẻ bước vào giai đoạn vị thành niên, tâm sinh lý có nhiều thay đổi, môi trường xã hội mở rộng hơn và thách thức cuộc sống cũng nhiều hơn. Trẻ ở tuổi này rất muốn khẳng định bản thân, muốn được công nhận và muốn người khác đối xử với mình như một người trưởng thành độc lập.

Tuy nhiên, những hiểu biết, kỹ năng xã hội, đặc biệt là khả năng thấu hiểu và kiểm soát cảm xúc chưa đủ để trẻ có thể xử lý mọi chuyện êm đềm, đặc biệt là trong mối quan hệ với bản thân và những người xung quanh. Có một khoảng cách khá lớn giữa nhu cầu, mong muốn được thấu hiểu, ghi nhận và năng lực thực tế của trẻ và người thân. Do vậy, trẻ dễ cảm thấy cô đơn.

Thứ hai: Khi trẻ kém các kỹ năng xã hội, trẻ rất khó khăn để có thể kết nối, tạo dựng các mối quan hệ bạn bè hiệu quả. Trong khi với tuổi này, bạn bè thường là đối tượng họ quan trọng nhất, hơn cả cha mẹ và thầy cô. Thế nên, khi không có bạn chơi, cảm thấy tách biệt với mọi người, hoặc không được chào đón trong nhóm bạn học, bị xa lánh, tẩy chay, trẻ rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, cô đơn và trầm cảm.

Thứ ba: Một yếu tố mang tính thời đại, đó là trẻ vị thành niên trong thời đại ngày nay bị giảm thiểu thời gian tương tác với người thân trong gia đình, họ hàng, làng xóm, giảm thiểu các tương tác trực tiếp, gần gũi với con người, với cộng đồng, với thiên nhiên. Thay vào đó họ tương tác nhiều hơn qua công cụ, thiết bị điện tử, mạng xã hội.

Điều này khiến trẻ khó có được những thời gian chất lượng được trò chuyện, lắng nghe với người khác và khó có được những kết nối sâu sắc trong đời sống tinh thần. Điều này khiến trẻ dễ cảm thấy cô đơn. Nhất là trong giai đoạn một thời gian học online tại nhà vì giãn cách xã hội và dịch Covid-19 kéo dài. Tỉ lệ trẻ cảm thấy cô đơn và trầm cảm gia tăng đáng kể.

Thứ tư, là có những trẻ tự ti, hướng nội, chưa nhận biết được những giá trị của bản thân cũng dễ rơi vào nhóm trẻ có cảm giác cô đơn trong giai đoạn tuổi này.

PV: Chỉ 30% bố mẹ hiểu các vấn đề lo lắng của con. Theo chị, con số này có ít ko? Chị có lời khuyên nào dành cho các cha mẹ trong việc đồng hành cùng con?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Tỉ lệ cha mẹ hiểu các vấn đề lo lắng của con chưa quá bán cho thấy trẻ thời nay phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có thách thức lớn là cha mẹ, người quan trọng nhất của trẻ cũng khó có thể giúp trẻ được.

Tình yêu thương luôn là điều kỳ diệu giúp cả bố mẹ và con cái cùng nhau gặt hái được những thành quả.

Cha mẹ thấu hiểu con cái sẽ giúp trẻ cảm thấy được yêu thương, đồng cảm và có thể giúp con hiệu quả hơn. Tình yêu thương luôn là điều kỳ diệu giúp cả bố mẹ và con cái cùng nhau gặt hái được những thành quả không chỉ về kết quả học tập mà còn khiến trẻ luôn tự tin, luôn cởi mở và yêu thương mọi người.

Cha mẹ không hiểu hoặc không quan tâm tới trẻ có thể khiến trẻ gia tăng cảm giác cô đơn và nguy cơ tìm đến những mối quan hệ nhiều rủi ro cho trẻ mà chính cha mẹ cũng không biết, nhất là trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như hiện nay.

Để đồng hành cùng con hiệu quả và giúp con vượt lên khỏi những thách thức của giai đoạn vị thành niên thời đại này, cha mẹ cần dành thời gian chất lượng mỗi ngày để quan sát, trò chuyện, lắng nghe, thấu hiểu, kết nối sâu sắc với con và giúp con tự học mọi thứ là điều quan trọng nhất trong hành trình đồng hành cùng con.

PV: Cứ 6 – 7 trẻ thì có 1 trẻ nghĩ tới chuyện tự tử. Theo chị, vì sao các em còn ít tuổi mà lại có suy nghĩ tiêu cực như thế? Có yếu tố nào tác động khiến trẻ nghĩ và dám làm điều dại dột như thế?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Trong khi coaching, trị liệu tâm lý cho những người trẻ đã từng có suy nghĩ tự tử và thậm chí đã từng thực hiện những hành động dại dột đó nhưng may thoát chết, tôi phát hiện ra các em nghĩ tới chuyện tự tử thường là trong tình trạng trầm cảm hoặc trong lúc bị bức xúc nội tâm. Ví dụ như đau khổ, mặc cảm, cô đơn, vô dụng, bế tắc kéo dài hoặc bị oan, tức giận bùng phát mà không có ai để chia sẻ và không biết cách nào để giải quyết, nên tìm tới cách đó vì nhầm tưởng đó là lối thoát có thể kết thúc những bức xúc nội tâm.

Liên tiếp các vụ việc trẻ tự tử ở Hà Nội thời gian gần đây.

Trẻ tuổi này bị ảnh hưởng rất lớn bởi cảm xúc và bạn bè. Trong khi họ lại chưa có được khả năng thấu hiểu và làm chủ cảm xúc. Còn bạn bè thì vừa thiếu và thừa. Thiếu những giao tiếp chất lượng tạo nên những mối quan hệ bạn thật, thân thiết, tốt đẹp. Thừa thời gian trên mạng để truy cập những thông tin tiêu cực đầy rẫy từ những người bạn ảo.

Mạng xã hội tuy rằng có những mặt tích cực, nhưng cũng có những mặt tiêu cực. Việc trẻ có thể bị bắt nạt, nói xấu, tẩy chay giờ đây không chỉ có trong trường lớp mà còn trầm trọng hơn trên mạng xã hội. Chưa kể đến trên mạng xã hội còn có những hội nhóm lan truyền những hành vi tiêu cực, lôi kéo nhau, dạy nhau làm những việc tiêu cực như tự tử. Trí óc trẻ còn non nớt. nhận thức và kỹ năng xã hội còn thiếu thốn, nếu quen biết những người bạn ảo như thế rất dễ “gần mực thì đen”, vô tình lây nhiễm những năng lượng, cảm xúc và tư duy tiêu cực.

PV: Dư luận đang có cái nhìn 2 chiều sau mỗi vụ việc trẻ tự tử: Người thì cho rằng do bố mẹ không quan tâm, gây áp lực cho con? Người thì cho rằng, trẻ bây giờ quá nhạy cảm, tâm lý yếu nên rất dễ có những hành động dại dột khi bố mẹ không đáp ứng nhu cầu? Chị có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Có lẽ điểm chung duy nhất của mỗi vụ việc trẻ tự tử là những người ở lại, đặc biệt là người thân hết sức đau lòng.

Còn nguyên nhân của những vụ việc này có thể giống hoặc khác nhau tùy trường hợp. Chẳng hạn như tôi từng coaching trị liệu cho những trẻ có kì vọng cao, tự áp lực với chính mình về thành tích, kết quả học tập nhiều năm dẫn đến trầm cảm và có những hành vi gây hại đến bản thân. Cha mẹ của các em này có người thì không hề áp lực học tập con cái, có người thì thỉnh thoảng vô thức áp lực với các em về thành tích học tập nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu.

Nhưng tôi cũng từng coaching trị liệu tâm lý cho những em bị trầm cảm, căng thẳng thần kinh quá mức, thậm chí có em tự tử, do kì vọng, áp lực học tập tới từ thầy cô và cha mẹ trong khi bản thân các em không biết cách xử lý áp lực hiệu quả.

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành rất tâm huyết truyền đạt các phương pháp Dạy con tự học cho các phụ huynh trên hành trình xây dựng hạnh phúc.

Tôi đồng ý rằng trẻ thời nay nhạy cảm hơn, do trẻ có điều kiện tiếp nhận rất nhiều kiến thức, thông tin không giới hạn từ sớm và đặc biệt, trẻ khá đầy đủ về nhu cầu vật chất nên thường có những nhu cầu tâm lý, tinh thần cao hơn với cha mẹ mình khi ở cùng độ tuổi vị thành niên.

Nhạy cảm trong khi cơ hội rèn luyện bản lĩnh không có, dẫn đến yếu tâm lý và kỹ năng sống, sẽ gây khó khăn cho trẻ trong đời sống, nhất là khi phải đối mặt và giải quyết các vấn đề cảm xúc cá nhân và các thử thách khi tham gia vào xã hội.

Điều cha mẹ có thể làm cho con là ngay từ nhỏ, hãy tạo nhiều cơ hội, thử thách để giúp con rèn luyện được những giá trị sống, kỹ năng sống cần thiết, nhất là khả năng tự học, tự giáo dục mình, để con có thể vững vàng hơn khi bước vào tuổi vị thành niên và đặc biệt, khi bước vào đời. Nếu không, đến giai đoạn 20 tuổi, trẻ sẽ phải đối mặt với cảm giác cô đơn, tự ti, bất lực trước cuộc sống.

PV: Làm sao để trẻ vị thành niên trân trọng cuộc sống, hiểu được sống là 1 điều vô cùng hạnh phúc?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Đây là điều khác biệt của trẻ thời nay với các thời kì trước.

Ở những thời kì trước đây, trẻ tuổi này thường đã phải chứng kiến những khó khăn của cuộc sống, phải làm việc hỗ trợ gia đình, thậm chí phải đối diện với cái đói, thiếu thốn vật chất, chật vật mưu sinh, nên họ sớm có được sự rèn luyện bản lĩnh và lòng ham sống.

Thời nay, trẻ tuổi này lại khác. Trẻ được sinh ra trong đủ đầy vật chất. Trẻ không phải chịu đói khát, thiếu thốn, đấu tranh sinh tồn, mọi thứ có được cha mẹ cho một cách đương nhiên nên việc trân quý, biết ơn sự sống, những gì mình đang có hơi khó với trẻ.

Vì vậy, cha mẹ có thể giúp trẻ bằng cách cho trẻ khổ luyện nhiều hơn, chủ động thử thách cho con nhiều hơn, đừng làm hộ, bày sẵn tất cả trước mặt trẻ. Hãy cho trẻ được lao động, được chờ đợi thành quả tự tay mình làm ra, không thỏa mãn trước, không thỏa mãn ngay, không thỏa mãn quá mức nhu cầu cần thiết của con, để biết trân quý và hạnh phúc với những gì mình có, bao gồm cả sự sống của mình.

Cha mẹ dẫn con đi thăm những trẻ mồ côi, khuyết tật, khó khăn, thiếu thốn, người già neo đơn, bệnh tật… để trẻ nhận ra rằng đang có gia đình, có cha mẹ, có cơ thể khỏe mạnh, được đi học, được sống là điều vô giá và từ đó sinh lòng biết ơn, trân quý sự sống, trân quý những gì trẻ có được trong cuộc đời.

Trân trọng cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn này! 

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan