Từ ngày 1/1/2022, có nhiều chính sách mới quan trọng về bảo hiểm xã hội, lương hưu ảnh hưởng đến người lao động chính thức có hiệu lực.
Từ 01/01/2022, căn cứ Nghị định 07/2021/NĐ-CP, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn sẽ tăng từ 700.000 lên 1,5 triệu đồng/tháng. Kéo theo đó, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tối thiểu cũng tăng lên.
Cụ thể, người lao động đóng BHXH tự nguyện phải trích 22% mức thu nhập mà mình chọn để đóng BHXH hằng tháng. Mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 sẽ là 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với năm 2021.
Theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP, bắt đầu từ năm 2022, những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hằng tháng sẽ được tăng 7,4% mức lương hưu, trợ cấp so với tháng 12/2021.
Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng trên, nếu mức lương hưu, trợ cấp BHXH, ttrợ cấp hằng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng thì người nghỉ hưu trước năm 1995 được tăng thêm như sau:
- Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.
- Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động 2019, trong năm 2022, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 06 tháng (tăng 03 tháng so với 2021), lao động nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 08 tháng (tăng 04 tháng so với 2021).
Trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 05 - 10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.