Học sinh nhiều tỉnh, thành được nghỉ học từ 3 - 7 ngày để phòng tránh Corona khiến phụ huynh đỡ lo các con bị lây virus khi tới trường nhưng lại cuống cuồng vì không biết gửi con ở đâu.
Tối 2/2, 20 tỉnh thành phố trong cả nước đã thông báo tới phụ huynh, học sinh về việc cho học sinh tạm nghỉ học từ 3 - 7 ngày để phòng tránh virus Corona. Ngay sau khi có thông báo, trên rất nhiều diễn đàn mạng xã hội, các bậc phụ huynh sôi nổi thảo luận tìm cách.
Đa số các phụ huynh đều bày tỏ sự đồng tình với việc học sinh nghỉ học để phòng tránh sự lây lan virus Corona trong môi trường học đường.
"Trường học là một trong những nơi luôn đông người, từ phụ huynh, học sinh, giáo viên. Trong khi đó, học sinh lứa tuổi mầm non, tiểu học vẫn chỉ có số ít các bé biết cách bảo vệ bản thân mình, đa số các con còn quá nhỏ, chưa thể tự phòng tránh dịch bệnh. Học sinh nghỉ học trong tâm điểm dịch Corona là hợp lý, hạn chế được nguồn lây lan trong môi trường học đường".
"Học sinh nghỉ học sẽ hạn chế được nguồn rác thải thải ra môi trường, ít nhất là khoảng 2 triệu khẩu trang/ngày".
"Học sinh được nghỉ học, ở nhà, sẽ thực hiện đầy đủ hơn các biện pháp phòng tránh dịch bệnh như rửa tay thường xuyên, bổ sung sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc...".
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh ở các thành phố lớn, gia đình không có ông bà ở chung dù bày tỏ sự đồng tình nhưng lo lắng vì không biết sẽ gửi con tuổi mầm non, lớp 1, lớp 2 ở đâu.
"Các con được nghỉ nhưng bố mẹ vẫn đi làm, không nghỉ ở nhà với con được, ông bà ở quê xa, lại bận việc quê không ra trông cháu được, mà đi gửi con ở chỗ khác thì cũng không yên tâm, vì không biết chỗ đó có ai tiềm ẩn nguy cơ không?".
"Tìm chỗ gửi con, đặc biệt các bé 5 - 7 tuổi ở Hà Nội thực sự là rất khó, các điểm trông trẻ tạm thời thì vừa đắt lại không đảm bảo".
Cơ hội cho trẻ tự trông nhau
Nhà chị Hoa (ở Xuân La, quận Tây Hồ) có 2 con, một bé 5 tuổi, một bé học lớp 2. Cả hai anh chị đều không thể thu xếp để nghỉ làm ở nhà trông con, ông bà cũng ở xa, không kịp hỗ trợ.
Tối qua, khi nhận được thông báo các con được nghỉ học 1 tuần để tránh dịch Corona, hai vợ chồng anh chị bàn bạc các phương án, cuối cùng chọn cách để 2 con tự ở nhà, chị lớn trông em nhỏ, anh chị đi làm quan sát qua camera, "chỉ đạo" qua điện thoại, buổi trưa chị và anh sẽ thay nhau về với các con.
"Ngay khi quyết định phương án, vợ chồng tôi ngồi dặn dò 2 con. Bé cả học lớp 2, cũng thường xuyên được mẹ hướng dẫn, chỉ bảo những việc cần làm và không được làm khi ở nhà một mình như: Không được mở cửa cho người lạ, không tự ý đi mua đồ, không trèo ra lan can, cắm ổ điện, tự lấy nước nóng...
Tôi dặn các con ngồi chơi đồ chơi, hoặc xem ti vi trong phòng ngủ và phòng khách là chủ yếu, cần làm gì thì điện thoại cho bố hoặc mẹ.
Vợ chồng tôi cũng xem lại khóa cửa, khóa bấm hành lang, phích cắm ổ điện... Tôi chuẩn bị sẵn đồ ăn sáng, ăn bữa phụ, hoa quả cho các con,
Nhà tôi có lắp camera, nên hai vợ chồng sẽ vừa làm việc, vừa tranh thủ check camera quan sát các con ở nhà. Nhà tôi cách chỗ làm của hai vợ chồng 8 - 10km nên hai vợ chồng thay phiên nhau buổi trưa về nhà với các con, vất vả một tí nhưng cũng yên tâm".
Facebook Thuy Han nêu sáng kiến: "Cắm cơm, nấu thức ăn sẵn, quan sát qua camera và điều chỉnh theo Hiệu lệnh của mẹ qua điện thoại là phương thức tối ưu cho học sinh tiểu học".
Với một số gia đình con còn bé, học mầm non, gia đình lại không có điều kiện như nhà chị Hoa thì lại phải tìm phương án khác.
Chị Hà (Cầu Giấy) gom 6 nhà đồng nghiệp, người thân rồi bàn nhau, mỗi một người lớn xin nghỉ làm một ngày để trông con của 6 nhà. Lần lượt như vậy là hết một tuần. Ở nhà, các chị sẽ hướng dẫn thêm các con các biện pháp phòng dịch để các con nhớ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng thấy may mắn vì chồng sẵn sàng. Chị kể: "Nhà chị Bắc Ninh không được nghỉ nhưng bố nó bảo nghỉ học thì bố trông, mẹ mày cứ đi làm. May hai vợ chồng công việc không bó buộc thời gian, chứ ai làm hành chính ngày 8 tiếng thì biết xoay sở thế nào. Đau đầu lắm!"
Một phương án khác nhiều nhà đành làm đó là đưa con lên cơ quan của bố/mẹ kèm theo... đồ chơi.
"Nhà mình con gái 4 tuổi, không biết gửi đâu cả nên đành mang con đi làm cùng. Con còn bé, lại hiếu động nên mình phải chuẩn bị luôn cả đồ chơi mà con thích để khi đến chỗ làm không gây ồn ào" - anh Thịnh (công ty in Quân đội) cho biết.
Trên các diễn đàn, đa số các gia đình trẻ đều phải đưa gấp con về quê với ông bà hoặc nhờ ông bà ra trông cháu giúp đến khi con đi học trở lại. Có nhiều người ông bà sẵn sàng hỗ trợ, bà nội ra bắt xe khách từ sáng sớm để kịp giờ xuống cho con cái đi làm.
"Những lúc thế này mới lại càng hiểu sâu sắc, người luôn ở bên cạnh, hỗ trợ chúng ta vô điều kiện, chính là bố mẹ của mình" - chị Mai, nhân viên ngân hàng chia sẻ.
Chị Quỳnh Ngọc thì thấy yên tâm với bà nội vì bà đang ở cùng nhà. Nên việc con nghỉ học không làm khó. Chị bảo: "Nhà trữ sẵn thực phẩm rồi, bà không phải ra khỏi nhà. Bố mẹ đi làm thì khẩu trang, rửa tay liên tục. Về đến nhà thì việc đầu tiên là vứt khẩu trang, rửa tay, tắm rửa sạch rồi mới tiếp xúc với con là được!".
Anh Phạm Hạnh có sáng kiến khá mới, bên nước ngoài áp dụng nhiều, đó là: "Giải pháp cho các bố mẹ là gom nhau lại thành từng nhóm 3-4 nhà để luân phiên xin nghỉ/ hoặc làm việc ở nhà. Như vậy mỗi người cũng chỉ phải xin nghỉ 1 buổi/tuần thôi, tạm vậy trong 1- 2 tuần chắc các bố mẹ cố được".
Đây là cách mà các nước Bắc Âu thường áp dụng trong những ngày cuối tuần để vợ chồng có nhiều thời gian cho nhau hơn.
3 kịch bản cho học sinh trong dịch virus Corona
- Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh trong trường học. Với tình huống này, sẽ tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo theo dõi chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong toàn ngành giáo dục; các sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan theo dõi tình hình, tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp.
- Tình huống 2: Khi xuất hiện trường hợp bệnh xâm nhập trường học thì ngành giáo dục phối hợp ngành y tế triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ, theo dõi chặt chẽ sức khỏe những trường hợp tiếp xúc. Tích cực xử lý triệt để các ổ dịch.
- Tình huống 3: Khi dịch bệnh lây lan trong trường học, Ban Chỉ đạo sẽ phối hợp ngành y tế triển khai phòng chống; khoanh vùng ổ dịch và cho học sinh, sinh viên nghỉ học, hạn chế đi lại khi cần thiết, phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục có ổ dịch; phối hợp ngành y tế giám sát các ca bệnh, triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ, tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe những trường hợp tiếp xúc; phối hợp ngành y tế tổ chức thường trực, phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục.