1. Nói quá nhiều về chủ đề người khác không hứng thú
Trò chuyện là cách tốt nhất để kết nối với mọi người, nhưng cuộc trò chuyện phải đến từ hai phía.
Bạn có thể có một câu chuyện dài muốn kể, điều đó không có vấn đề gì. Tuy nhiên bạn cần chú ý ngôn ngữ hình thể của người đối diện xem họ có hứng thú không. Nếu không, bạn nên cắt bớt các chi tiết thừa thãi và đi vào vấn đề chính.
Mọi người thường thích được hỏi ý kiến, vì vậy bạn có thể khiến họ chú ý bằng cách hỏi họ nghĩ gì về chủ đề xuất hiện trong câu chuyện.
Nhưng nếu họ vẫn không quan tâm thì tốt nhất bạn đừng nên nói quá nhiều.
Đương nhiên, những người bạn thân, người nhà của bạn sẽ quan tâm nhiều hơn đến điều gì đó mà bạn đam mê (vì họ quan tâm đến bạn) và sẽ cho bạn nhiều thời gian hơn, nhưng bạn vẫn đừng nên lạm dụng.
2. Chỉ chực chờ đến lượt mình nói
Bạn có bao giờ nhận ra rằng mình đang lơ đãng khi người khác nói chuyện vì bản thân có điều gì đó rất muốn nói không? Có thể vì bạn lo lắng rằng mình sẽ quên và cảm thấy việc chia sẻ nó là điều quan trọng.
Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên tập trung vào những gì người khác đang nói. Kể cả khi bạn có quên mất những điều mình sắp muốn nói thì việc tích cực lắng nghe có thể giúp bạn nghĩ ra điều phù hợp để chia sẻ, giúp cuộc trò chuyện trôi chảy hơn.
Nếu bạn thực sự muốn nhớ điều gì, hãy viết nhanh ra sổ tay. Ít nhất bạn sẽ có thể tập trung vào những gì người bạn của mình đang nói và khiến họ cảm thấy được lắng nghe, được tôn trọng.
Điều này rất quan trọng để xây dựng kết nối và khiến mọi người thích bạn.
3. Không ngừng khoe khoang
Thật tuyệt vời khi chia sẻ chiến thắng và thành công của bạn với người khác.
Nhưng nếu cuộc trò chuyện chỉ xoay quanh bạn và thành tích của bạn thì rất có thể mọi người sẽ không thích bạn.
4. Lạnh lùng
Một trong những cách nhanh nhất để khiến ai đó không thích bạn là khiến họ nghĩ rằng bạn không thích họ. Và điều này có thể xảy ra ngay cả khi bạn không hề như vậy.
Để tránh điều này, hãy nồng nhiệt và thân thiện với những bất cứ ai mà bạn muốn được yêu thích, ngay cả khi bạn cảm thấy họ có vẻ lạnh lùng, vì rất có thể đó chỉ là sự hiểu lầm.
Ngay cả khi họ có lạnh lùng thật thì họ cũng khó có thể ghét mãi một người ấm áp, biết quan tâm và hay mỉm cười như bạn được.
5. Lên lớp người khác
Nếu ai đó xin lời khuyên của bạn thì bạn có quyền làm điều đó thoải mái. Nhưng nếu bạn liên tục lên lớp người khác, bảo họ phải làm gì, bạn sẽ có vẻ kiêu ngạo và khoa trương, khiến mọi người khó chịu.
Nếu bạn muốn đề xuất ý tưởng tốt gì đó cho người khác, hãy chú ý cách diễn đạt của mình.
6. Phê phán niềm tin của người khác
Hãy tôn trọng những niềm tin khác nhau của mỗi người và tránh chỉ trích.
Nên tranh luận một cách lành mạnh mà hạ thấp giá trị quan điểm của người khác.
7. Xem điện thoại khi đang nói chuyện
Nếu bạn đang trò chuyện với ai đó mà lại liên tục lấy điện thoại ra trả lời tin nhắn, kiểm tra thông báo thì điều đó sẽ khiến mọi người không thích bạn ngay lập tức.
Nếu thực sự bận rộn, hãy lịch sự xin lỗi và xin phép họ vài phút để xử lý công việc riêng rồi tiếp tục trò chuyện.
Việc liên tục xem điện thoại khi đang nói chuyện sẽ khiến người khác cảm thấy rằng bạn không thực sự quan tâm hoặc tôn trọng họ hay những gì họ đang nói.
Tóm lại, bí quyết để không bị ghét là khiến người khác cảm thấy được lắng nghe và trân trọng.
(Theo Hack Spirit)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 7 sai lầm có thể khiến bạn bị nhiều người ghét tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].