Phục hồi chức năng sau đột quỵ
Các di chứng khiến người bệnh gặp phải trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày. Trong đó, yếu liệt nửa người là một trong những di chứng nặng nề và tốn nhiều thời gian hồi phục nhất. Nếu không được điều trị sớm thì mục tiêu đưa người bệnh trở lại sinh hoạt một cách bình thường sẽ rất khó khăn.
Tiến sĩ - Bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 cho biết, các phương pháp điều trị phục hồi sau đột quỵ gồm:
1. Châm cứu
Là phương pháp đã được chứng minh qua rất nhiều công trình nghiên cứu được công bố rộng rãi trên thế giới. Các phương pháp châm cứu bao gồm: điện châm, hào châm, laser châm, cấy chỉ, nhĩ châm, đầu châm,… đều mang lại kết quả khả quan trong điều trị phục hồi sau đột quỵ.
2. Xoa bóp bấm huyệt
Phối hợp với châm cứu, phương pháp xoa bóp bấm huyệt giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng hơn, tăng cường khí huyết đến nuôi dưỡng hệ thống cơ bắp. Đồng thời giúp phục hồi chức năng vận động tại các chi yếu liệt.
3. Sử dụng thuốc Y học cổ truyền
Giúp tăng cường tuần hoàn máu não, tái tạo các tế bào thần kinh bị tổn thương, hỗ trợ phục hồi các di chứng sau đột quỵ.
4. Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng
Vận động trị liệu nhằm phục hồi khả năng vận động, ngôn ngữ trị liệu cải thiện khả năng giao tiếp là các phương pháp được chỉ định phổ biến cho người bệnh sau đột quỵ. Những phương pháp này giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi vận động và về lâu dài sẽ giúp người bệnh có thể sinh hoạt bình thường nếu được luyện tập sớm và đúng cách.
Người bệnh sau đột quỵ nên điều trị phục hồi chức năng cần cân nhắc điều trị sớm trong vòng 3 tháng đầu tiên để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Đặc biệt, vai trò chăm sóc bởi người nhà, nhân viên y tế về thể chất cũng như tinh thần cũng rất quan trọng, đảm bảo việc điều trị không bị gián đoạn.
Nhận biết đột quỵ
Theo bác sĩ Mẫn, việc phát hiện và cấp cứu trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất là cực kỳ quan trọng đối với các trường hợp đột quỵ. Tốt nhất là trong vòng 3 giờ đầu tiên kể từ khi phát hiện các biểu hiện của đột quỵ.
Nắm nguyên tắc F.A.S.T giúp nhận diện sớm nhất tình trạng đột quỵ và nhanh chóng liên hệ sự hỗ trợ của cơ quan y tế gần nhất:
- Face (Mặt): Yêu cầu người bệnh cười hoặc làm động tác nào đó liên quan đến cơ mặt. Nếu một bên mặt của họ bị xệ hoặc không đối xứng, đây có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
- Arm (Tay): Yêu cầu người bệnh giơ cả hai tay lên. Nếu một tay yếu hoặc không thể nâng lên như tay còn lại, đây cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
- Speech (Nói): Yêu cầu người bệnh nói một câu đơn giản. Nếu lời nói bị lắp bắp, khó khăn hoặc không rõ ràng, đây là một dấu hiệu khác của đột quỵ.
- Time (Thời gian): Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên, cần nhanh chóng gọi cấp cứu ngay lập tức. Thời gian là yếu tố quan trọng nhất trong việc điều trị đột quỵ, càng sớm càng tốt.
Phòng ngừa đột quỵ
Để phòng ngừa đột quỵ, người bệnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị tích cực các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu,…
Đồng thời, nên tham vấn chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp để phòng tránh bệnh lý có thể gây nên đột quỵ.
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết 4 phương pháp điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].