3 tác hại lớn nhất khi làm việc cả ngày với máy tính và cách để bảo vệ

Nếu bạn sử dụng ít nhất 6 tiếng đồng hồ/ngày làm việc với máy tính, nguy cơ nhồi máu cơ tim của bạn tăng lên gấp đôi, nguy cơ giảm thị lực tăng 40% và hệ thống cơ của bạn cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Ngồi làm việc với máy tính cả ngày gây hại cho cơ thể nhiều hơn bạn tưởng

Ngồi làm việc với máy tính cả ngày gây hại cho cơ thể nhiều hơn bạn tưởng

Sau đây là lời khuyên của bác sĩ tim mạch, một chuyên gia về thị lực và một huấn luyện viên để giúp bạn cân bằng những tác động tiêu cực này.

Bảo vệ sức khỏe tim mạch: Dù tập luyện 4 giờ/tuần cũng không tốt bằng đôi lúc đứng dậy đi lại nhẹ nhàng trong giờ làm việc

Bác sĩ Allan Stewart, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật động mạch chủ, Mount Sinai, Hoa Kỳ cho biết: ‘Điều quan trọng để bảo vệ trái tim bạn là bạn cần hiểu khi ngồi, tim đập tốc độ chậm hơn, và điều này ảnh hưởng đến mọi bộ phận trong cơ thể’.

Một số thói quen của dân công sở ảnh hưởng đến tim mạch được bác sĩ Allan liệt kê gồm:

1) Ăn uống những thức ăn nghèo dinh dưỡng

Nếu bạn không có khả năng ‘từ chối’, bạn sẽ quen với việc nạp những thức ăn thuận tiện nhất: gần bạn nhất hoặc có thể ‘ship’ đến cho bạn trong thời gian ngắn nhất.

Thật không may, đó thường là những thức ăn nghèo dinh dưỡng.

Do ngồi suốt ngày, bạn có xu hướng tìm kiếm những thứ thức ăn nhiều đường, vì những thứ này giúp bạn tăng nhanh năng lượng.

2) Tích tụ chất béo xung quanh tim

Cơ bắp đốt ít chất béo hơn khi bạn kém năng động – đây chính là điều nguy hại với dân văn phòng.

Trái tim sẽ phải ‘mệt mỏi’ vì những tế bào acid béo và cholesteron vây quanh, từ đó dẫn đến nguy cơ bị nhồi máu cơ tim sẽ cao hơn đáng kể.

3) Nguy cơ kháng isulin

Kháng isulin là dấu hiệu của tiểu đường type 2, đây là chứng bệnh gây ra bởi thói quen ngồi cố định cả ngày và tình trạng béo phì.

Bác sĩ Allan cảnh báo ngay cả những người làm việc bàn giấy bề ngoài nhìn rất khỏe mạnh cũng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.

4) Nguy cơ béo bụng

Nếu các cơ ít vận động, bạn sẽ không sản xuất lượng glucose đủ, do đó bạn sẽ có nhiều mỡ hơn xung quanh vòng 2.

Đây là những tác hại mà ngay cả tập luyện thể thao chăm chỉ vào 2 ngày cuối tuần bạn cũng không thể ‘đảo ngược tình thế’ được.

Thay vào đó, bác sĩ Allan Stewart đề xuất các giải pháp sau:

1) Đứng bất cứ khi nào có thể

Hãy tận dụng mọi cơ hội đứng lên đi lại, điều đó làm cho nhịp tim của bạn nhanh hơn.

Nên đứng khi gọi điện thoại, trao đổi với đồng nghiệp, hoặc đơn giản là để lấy một cốc nước.

Đứng dậy đi lại mỗi giờ 1 lần là cách tốt để thư giãn cơ thể

Đứng dậy đi lại mỗi giờ 1 lần là cách tốt để thư giãn cơ thể

2) Đứng dậy nghỉ ngơi sau mỗi giờ làm việc

Nếu bạn duy trì hoạt động thường xuyên, bạn sẽ ngăn cho nhịp tim của bạn không bị giảm, cũng như toàn bộ cơ thể không bị trì trệ.

3) Những buổi họp có di chuyển

‘Nếu công ty bạn có một buổi họp và yêu cầu không phải bắt buộc ngồi bên máy tính, nhìn vào màn hình, tại sao bạn không ra ngoài, vừa đi lại vừa trao đổi trong điều kiện thời tiết tốt?’ – bác sĩ Allan đề xuất.

4) Biến bàn làm việc thành nơi tập thể thao – nếu bạn làm việc ở nhà

Kiếm một quả bóng tập và để nó lên bất cứ mặt phẳng nào để các cơ của bạn được vận động.

Đặt laptop lên một máy chạy bộ, như thế bạn vừa đi bộ vừa làm việc được

5) Duy trì tập luyện thường xuyên

Bạn cần 30 – 45 phút để tập thể thao, ít nhất mỗi 4 ngày trong tuần.

Màn hình máy tính đang làm hại mắt bạn như thế nào?

Chắc chắn là màn hình máy tính không làm bạn mất thị lực, bác sĩ Randy McLaughlin, một chuyên gia thị lực của Trung tâm y khoa Đại học Wexner, bang Ohio (Mỹ) khẳng định.

‘Tuy nhiên, tia UV từ màn hình có thế gây hại cho mắt. Ngồi hàng giờ liền trước máy tính, nhìn chằm chằm vào một vật ở gần có thể làm thị lực của chúng ta bị căng thẳng rất nhiều’ – bác sĩ Randy khẳng định.

Cả thế giới đều trở nên gần gũi thông qua màn hình, vì thế nhu cầu tự nhiên của bạn của bạn là sử dụng các loại màn hình cả ngày.

Điều này đồng nghĩa với việc mắt bạn càng bị căng thẳng hơn.

Và đây là những việc bạn cần làm:

1) Cho mắt nghỉ

Bác sĩ McLaughlin cho rằng mọi người cần cho mắt nghỉ mỗi 20  - 30 phút.

Hãy nhìn quanh, thư giãn mắt của bạn trong vòng 30 giây.

Không nhất thiết phải ngắt quãng suy nghĩ, chỉ cần rời mắt khỏi màn hình trong giây lát cũng có thể giúp ích cho mắt bạn.

2) Sử dụng thuốc nhỏ mắt

Thuốc nhỏ mắt dành cho những người sử dụng máy tính nhiều sẽ giúp ích trong hoàn cảnh này. Thuốc sẽ giúp mắt đỡ bị khô, mỏi.

3) Đi khám mắt một lần/2 năm

Với những người không gặp vấn đề gì về thị lực, bạn vẫn nên đi kiểm tra thị lực ít nhất 2 năm/lần.

Rất nhiều người cho rằng mắt họ tốt, nhưng khi họ tình cờ đi kiểm tra mắt vào năm 40 tuổi, họ phát hoảng: ‘Hóa ra mắt tôi đã không nhìn tốt từ khi tôi học xong trung học’.

Vì hệ cơ, xương hình thành là do lao động nên ngồi nhiều ảnh hưởng trầm trọng đến toàn bộ cấu trúc cơ thể

Vì hệ cơ, xương hình thành là do lao động nên ngồi nhiều ảnh hưởng trầm trọng đến toàn bộ cấu trúc cơ thể

Vì sao càng ngồi nhiều, dáng càng xấu?

Moe Widdi, một huấn luyện viên của Câu lạc bộ thể hình tại New York cho rằng: ‘Chúng ta càng ngồi ít bao nhiêu càng tốt cho tình trạng tự nhiên của cơ thể bấy nhiêu’.

‘Cơ thể chúng ta được tạo ra để lao động. Ngồi nhiều trong phần lớn thời gian trong ngày có thể khiến cơ thể tăng nguy cơ bị tổn thương’.

Do ngồi nhiều, hệ thống bắp, cơ, dây chằng bị suy yếu, tất cả trọng lực dồn lên xương. Đây là nguy cơ tiềm ẩn khiến xương bị tổn thương.

Thêm nữa, nếu bạn có tư thế ngồi làm việc không đúng, như vai so lại phía trước, lưng cong, thì phổi sẽ bị ép, không thể hấp thụ oxy một cách hiệu quả.

Ngồi nhiều cũng khiến cho mông xệ, mất đường cong và làm dáng dấp chung xấu đi đáng kể.

Bạn có thể làm gì

Để tránh tổn thương và ngồi sai tư thế, bạn có thể tập theo một số bài tập đơn giản sau:

1) Trượt tay trên tường

Dựa vào một bức tường thẳng hoặc một tấm gương

Làm phẳng lưng của mình bằng cách đẩy các bắp và xương chậu về phía sau.

Đặt cánh tay và bàn tay áp vào tường.

Hơi ngửa cằm để giữ cho phần sau đầu tiếp xúc vào tường càng nhiều càng tốt.

Cử động bàn tay lên, xuống.

Với bài tập này chúng ta tập trung để cho các cơ ở lưng và cổ được vận động, trong khi lưng vẫn thẳng.

2) Xoay tay

Giữ tư thế lưng thẳng giống như động tác trên, giơ tay ra đằng trước, gập cùi chỏ tay lại. Tiếp tục giang tay sang hai bên và gập cùi chỏ lại.

Tập liên tục mỗi tư thế 10 lần.

Phương Phương

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính