Sỏi bàng quang là gì?
Sỏi bàng quang là bệnh lý không hiếm gặp, được tạo ra bởi quá trình tích tụ các khoáng chất và tinh thể rắn. Nguyên nhân của sự tích tụ này do nước tiểu bị đọng lại tại bàng quang quá lâu. Hoặc cũng có thể do sỏi niệu quản, sỏi thận rơi xuống mắc kẹt tại bàng quang. Sỏi tại đây thường có hình tròn, bề mặt nhẵn, ít khi xù xì.
Sỏi ở bàng quang có thể thoát được ra bên ngoài theo đường tiểu khi có kích thước nhỏ. Nhưng với viên sỏi lớn, nằm lại tại bàng quang, theo thời gian tích tụ thành những viên sỏi có kích thước lớn, gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân.
3 dấu hiệu điển hình của sỏi bàng quang
Theo khuyến cáo của bác sĩ BV Nguyễn Tri Phương, người dân cần lưu ý khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu dưới đây. Bởi đó có thể là dấu hiệu bị sỏi bàng quang với kích thước lớn và gây nguy hiểm cho sức khỏe.
1. Tiểu rắt, khó tiểu, tiểu ít
Khi bị sỏi bàng quang, người bện vẫn có thể đi tiểu nhưng gặp phải tình trạng khó tiểu hoặc gặp các hiện tượng bất thường như nước tiểu bị ngắt, tắc, khi đi tiểu có cảm giác đau ở cơ quan sinh dục.
Người bệnh có thể thấy cơn đau sẽ gia tăng khi vận động nhiều và tình trạng đau có thể giảm bớt khi nghỉ ngơi tại chỗ. Nguyên nhân được cho là viên sỏi di chuyển làm tắc nghẽn dòng tiểu, khiến bệnh nhân tiểu rắt và cọ xát gây đau đớn.
2. Nước tiểu có màu bất thường
Người bị sỏi bàng quang có thể gặp phải triệu chứng nước tiểu có màu đỏ bất thường. Điều này xảy ra là do khi viên sỏi cọ xát mạnh vào đường niệu, gây chảy máu, khiến nước tiểu có màu máu khi ra ngoài. Có một số trường hợp, nước tiểu có chứa máu nhưng lượng quá ít nên người bệnh không thể quan sát bằng mắt thường.
3. Đau bụng dưới
Người bị sỏi bàng quang có thể bị các cơn đau khi âm ỉ, khi dữ dội ở vùng bụng dưới, tùy thuộc vào sự di chuyển của viên sỏi trong bàng quang. Cơn đau sẽ giảm bớt khi bệnh nhân không vận động, chỉ ở một chỗ. Nhưng cũng có trường hợp sỏi kẹt ở niệu đạo gây đau đớn cho người bệnh dù chỉ ngồi yên.
Khi xuất hiện các dấu hiệu nói trên, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Người bị sỏi bàng quang cần làm gì để ngăn ngừa sỏi tái phát?
Người bị sỏi bàng quang cần chú trọng đến chế độ ăn uống và sinh hoạt để ngăn chặn sự hình thành, phát triển và tái phát sỏi bàng quang.
- Không được quên việc uống đủ nước: Việc uống nhiều nước vừa có thể góp phần đẩy sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên, vừa hạn chế lắng cặn để tạo thành sỏi.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng ít thịt, ăn nhiều rau xanh, ăn nhiều cá và ăn nhạt
- Nên bổ sung vitamin bằng cách ăn nhiều hoa quả, rau củ thay vì bổ sung qua thực phẩm chức năng để hạn chế hình thành sỏi. Nên uống các loại nước ép cam, chanh tươi vì những thức uống này có chứa chất citrate, ngăn chặn hình thành sỏi tiết niệu.
- Tránh các thực phẩm chứa nhiều chất purine như cá khô thịt khô, nội tạng động vật.
- Ngoài chế độ ăn uống, cần chú trọng luyện tập thể dục thể thao, tránh ngồi ỳ một chỗ.
- Một số thực phẩm giàu oxalat cũng cần hạn chế như trà đặc, bột cám, cải bó xôi…
- Cần để ý tái khám định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường trong bàng quang, tránh để sỏi phát triển hay tái phát sau khi điều trị.
An AnBạn đang xem bài viết 3 dấu hiệu điển hình của sỏi bàng quang, đi khám ngay kẻo gặp nguy hiểm tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].