#1: Sốt cao
Nhiệt độ cảnh báo với mỗi lứa tuổi là khác nhau. Bác sĩ nhi khoa khuyên bạn nên chú ý nếu:
. Bé dưới 3 tháng tuổi và sốt trên 37,9 oC
. Bé 3 - 6 tháng tuổi và sốt trên 38,5 oC
. Bé 6 – 24 tháng tuổi và sốt trên 39 oC
Bác sĩ Nhi khoa khuyên bạn với trẻ trên 2 tuổi, sốt cao không đáng ngại, nếu như trẻ vẫn tỉnh táo và không bị mất nước. Bạn không nhất thiết phải đưa trẻ đến viện nhưng vẫn nên theo dõi, chăm sóc trẻ kỹ lưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ.
#2: Sốt kéo dài
Nếu trẻ sốt cao mà không hạ sau khi cho uống thuốc hạ sốt, trẻ sốt không cao nhưng kéo dài quá 5 ngày thì cha mẹ nên lập tức cho con đi viện.
Đây là dấu hiệu trẻ có một nhiễm trùng nặng khiến hệ đề kháng của cơ thể không thể chống chọi được. Bác sĩ sẽ tiến hành một hoặc một số xét nghiệm kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân.
Một cơn sốt do một loại siêu vi gây cúm thông thường sẽ biến mất trong vòng 5 ngày. Vì vậy, ngay cả khi trẻ sốt nhẹ (tầm 37,5 độ) nhưng kéo dài thì đó có thể là do nhiễm trùng như viêm phổi, cần phải khám bác sĩ và điều trị kháng sinh.
#3: Sốt kèm đau đầu
Sốt kèm theo đau cứng ở cổ, nhức đầu hoặc nổi ban đều là những triệu chứng nghiêm trọng
#4: Quầng đỏ hình vòng tròn trên da
Những vết phát ban hình vòng tròn như kính mắt trên da, các chấm màu đỏ nhỏ li ti không biến mất khi bạn ấn da, bầm tím quá mức đều là các triệu chứng bé cần đến gặp bác sĩ.
Bé có thể bị dị ứng, rối loạn máu hoặc bệnh Lyme (bệnh do bị bọ ve đốt).
Nếu cùng với các nốt dị ứng, con bạn cũng khó thở, bị kích động hoặc hôn mê, bé nên được bác sĩ kiểm tra ngay lập tức.
#5: Nốt ruồi bất thường
Hãy quan tâm đến các nốt ruồi của bé, đặc biệt là những nốt có từ khi bé sinh ra. Nốt ruồi bất thường có thể liên quan đến ung thư da.
Kiểm tra da bé thường xuyên khi tắm nắng cho con. Nếu cha mẹ phát hiện nốt ruồi có hình dạng bất thường, có viền xung quanh, không có một màu và có dấu hiệu lớn lên – hãy đưa bé đến gặp bác sĩ.
# 6: Đau bụng dữ dội
Nếu bé bị đau ở phần bụng dưới bên phải, hãy yêu cầu bé nhảy lên. Nếu bé cảm thấy đau hơn đó có thể là dấu hiệu viêm ruột thừa.
Mặc dù phần ruột thừa ở phía dưới bên phải của bụng, cơn đau do viêm ruột thừa có thể bắt đầu xung quanh rốn và di chuyển sang phải.
Nếu bé bị nhiễm virus đường tiêu hóa, thường có sốt, nôn mửa, sau đó là đau bụng và tiêu chảy.
Với viêm ruột thừa, đôi khi trẻ bị tiêu chảy trước, đau bụng, sau đó là nôn mửa và sốt.
Bệnh viêm ruột thừa tiến triển nhanh và cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Bé đau bụng kèm theo nôn mửa, sốt, máu trong phân thì cha mẹ cần đưa bé thẳng đến viện.
# 7: Đau đầu và nôn mửa
Cơn nhức đầu có thể khiến bé thức dậy vào nửa đêm hoặc sáng sớm, kèm theo nôn mửa là một dấu hiệu nghiêm trọng.
Bé có thể mắc chứng migraine (đau nửa đầu) – một chứng bệnh có yếu tố di truyền. Đau migraine ở trẻ em không phải là nguy hiểm, nhưng đây cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh nào đó nghiêm trọng hơn.
Để được chẩn đoán chính xác, bạn cần đưa con tới gặp bác sĩ ngay.
#8: Bí tiểu
Triệu chứng này thường đi kèm với môi và miệng khô, da khô hoặc bong khi bạn sờ vào, đi ngoài và nôn mửa.
Những dấu hiệu này liên quan đến mất nước và cần được điều trị nhanh vì mất nước có thể gây sốc. Cha mẹ hãy cố gắng bổ sung nước cho con và đưa đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.
#9: Môi xanh xám
Bạn có thể thấy bé bị thâm môi, thở khó nhọc, ngực và bụng phập phồng trong lúc thở.
Các bác sĩ nhi khoa cảnh báo các vấn đề về hô hấp đáng đáng lo ngại hơn khi âm thanh xuất phát từ ngực và phổi chứ không phải mũi
Đây có thể là biểu hiện khó thở do phản ứng dị ứng, cơn hen suyễn (có thể xảy ra ở trẻ từ vài tháng tuổi), viêm phổi, ho gà hoặc ho.
#10: Mặt sưng phù
Triệu chứng này có thể đi kèm với sưng lưỡi, môi, mắt. Trẻ cũng đồng thời bị mẩn ngứa và nôn mửa.
Đây thường là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng (phản vệ) mà cha mẹ cần cho bé đi gặp bác sĩ ngay.
#11: Nôn mửa sau khi ngã
Cha mẹ cần đưa trẻ đi viện với các tình huống sau: Trẻ dưới 6 tháng tuổi bị ngã, hoặc trẻ lớn hơn sau khi ngã có biểu hiện chấn động về thần kinh, nhầm lẫn hoặc mất ý thức, nôn mửa sau khi ngã.
#12: Chảy máu nhiều
Cha mẹ cần chủ động cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi bé bị tổn thương mà vết cắt không ngừng chảy máu sau vài phút băng bó.
Vết cắt được coi là lớn nếu bạn có thể nhét vừa một miếng bông gòn vào đó.
Vết cắt do động vật cắn hoặc do trẻ khác cắn cũng có thể khiến trẻ mắc bệnh, vì thế cha mẹ cần cho bé đi khám bác sĩ ngay cả khi vết cắn không lớn.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết 12 triệu chứng của trẻ cha mẹ cần phải đưa đi viện ngay tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].