Báo Điện tử Gia đình Mới

Vụ 600 học sinh iSchool Nha Trang ngộ độc: Phát hiện tới 3 loại vi khuẩn trong món cánh gà chiên

Viện Pasteur Nha Trang đã phát hiện trong món cánh gà chiên ở bữa ăn bán trú của trường iSchool Nha Trang bị nhiễm tới 3 loại vi khuẩn.

3 loại vi khuẩn trong món cánh gà chiên

Chiều 22/11, Viện Pasteur Nha Trang đã có thông báo kết quả xét nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang.

Theo đó, ngay sau khi xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang, viện Pasteur Nha Trang đã tiếp nhận 8 mẫu thức ăn để xét nghiệm.

Kết quả, trong số các mẫu xét nghiệm, phát hiện mẫu cánh gà chiên nhiễm 3 loại vi khuẩn gồm: Vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và Escherichia coli. Trong đó, vi khuẩn Salmonella có số lượng rất cao.

Ngoài ra, kết quả xét nghiệm còn phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu nước mắm.

Tiến sỹ Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, nguy hiểm nhất là vi khuẩn Salmonella. Vi khuẩn này gây nhiễm trùng, nhiễm độc, nôn, tiêu chảy, sốt, đau quặn. Nếu biến chứng nặng ở những người có cơ địa bệnh nền thì nặng hơn, lâu hồi phục hơn.

Chỉ điểm của Escherichia Coli có nghĩa thực phẩm đấy nhiễm bẩn, còn Bacillus cereus một chủng sinh độc tố, ly giải hồng cầu. Còn một chủng là độc tố ruột, không ly giải hồng cầu, đều có tác hại.

Phát hiện tới 3 loại vi khuẩn trong món cánh gà chiên.

Phát hiện tới 3 loại vi khuẩn trong món cánh gà chiên.

Bộ Y tế nhanh chóng tới Nha Trang để tìm hiểu nguyên nhân sự việc

Ngày 22-11, đoàn công tác Bộ Y tế do Tiến sĩ Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Y tế, Trường iSchool Nha Trang và các bệnh viện để tìm hiểu nguyên nhân, công tác tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân bị ngộ độc.

“Từ các yếu tố dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm mẫu máu, phân ở một số BV, chúng tôi nhận định đây là vụ ngộ độc thực phẩm gây nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella. Các chuyên gia trong đoàn cũng đã trao đổi và thống nhất với phác đồ điều trị cho các bệnh nhân mà các BV đang thực hiện” - TS Dương thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương Giang (BV Bạch Mai) cũng chia sẻ: “Vi khuẩn Salmonella không để lại di chứng. Thông thường, sau khi điều trị kháng sinh, các vi khuẩn Salmonella sẽ bị tiêu diệt, tuy nhiên, vẫn có trường hợp các vi khuẩn quần cư sống trong đường tiêu hóa nên vẫn có nguy cơ lây nhiễm.

Vì thế, để không bị lây nhiễm và tái nhiễm, phụ huynh nên đảm bảo công tác vệ sinh, nhất là vệ sinh tay bằng cách rửa bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, sau khi trẻ đi vệ sinh. Sau khi nhiễm vi khuẩn Salmonella, hệ vi sinh đường ruột của các cháu chưa cân bằng lại được nên việc ăn uống của các cháu cần giữ gìn. Phụ huynh nên cho các cháu ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đảm bảo sạch, an toàn thực phẩm". 

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, đến ngày 22/11, số ca bị ngộ độc đã tăng lên 662 ca, tăng hơn 14 ca so với ngày 21/11, trong đó có 388 ca phải nhập viện nội trú, 1 ca đã tử vong. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm tại học đường lớn nhất nước ta từ trước đến nay.

Hiện nay, vẫn còn 157 ca đang điều trị, không còn ca nguy kịch.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO