4 lưu ý cho người già khi sử dụng điều hòa trong mùa hè để không gây hại sức khỏe

Sử dụng điều hòa không đúng cách có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe cho người cao tuổi. Vậy người cao tuổi cần lưu ý điều gì khi sử dụng điều hòa?

Trong những ngày hè nóng bức, điều hòa trở thành thiết bị không thể thiếu của nhiều gia đình, giúp làm mát không khí, đem lại cảm giác dễ chịu cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu sử dụng điều hòa không đúng cách sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, nhất là với người cao tuổi.

Theo BSCKII Đỗ Mai Huyền, Khoa Khám bệnh, BV Lão Khoa Trung ương, việc sử dụng điều hòa không hợp lý có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở người cao tuổi.

Nếu để nhiệt độ quá lạnh, người già sẽ rất dễ bị viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản… Hơn nữa, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng điều hòa cũng dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt. Sự co mạch do chênh lệch nhiệt độ lớn từ cao sang thấp có thể gây cơn tăng huyết áp kịch phát, dễ dẫn đến tai biến mạch máu não.

Ngược lại, với những người già không chịu được điều hòa (nhất là các cụ ở nông thôn), nhiệt độ nóng bức sẽ dẫn đến mất nước, không ăn không ngủ được, mệt mỏi, sụt cân và sinh bệnh.

  Người già khi sử dụng điều hòa không được để nhiệt độ quá thấp kẻo bị cảm lạnh, mắc các bệnh đường hô hấp. Ảnh minh họa

Người già khi sử dụng điều hòa không được để nhiệt độ quá thấp kẻo bị cảm lạnh, mắc các bệnh đường hô hấp. Ảnh minh họa

Do đó, để an toàn cho sức khỏe người cao tuổi, bác sĩ Huyền khuyến cáo 4 lưu ý khi người già sử dụng điều hòa như sau:

1- Không được để nhiệt độ điều hòa quá thấp, chỉ để nhiệt độ từ 27 – 29 độ C. Nếu để nhiệt độ thấp quá 21 - 23 độ C thì người già sẽ dễ bị cảm lạnh, mắc các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản…

2 - Trong quá trình sử dụng điều hòa, nên kết hợp quạt gió để không khí được lưu thông trong phòng.

3 - Người già không nên ở trong phòng điều hòa quá nhiều mà phải ra ngoài để hít thở khí trời. Thời gian nằm điều hòa thích hợp là lúc nắng nóng nhất trong ngày (từ 10 giờ đến 16 giờ), các thời gian khác nên dùng quạt thổi nhẹ, mở hé cửa sẽ tốt hơn. Hơn nữa, người già cũng không nên nằm một chỗ mà phải vận động, đi lại.

Bởi vì, người già không vận động sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe như bị cứng khớp, suy tĩnh mạch chân, tăng nguy cơ tái phát bệnh nền… Thời điểm tốt nhất để người già ra ngoài tập thể dục, đi lại là lúc nhiệt độ ngoài trời mát như buổi sáng sớm và chiều tối.

4- Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi vừa đi nắng về, người cao tuổi không nên vào phòng lạnh ngay, mà cần vào một phòng không bật điều hòa, để cơ thể thích nghi dần với sự chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường bên ngoài và môi trường trong nhà, tránh tình trạng co mạch đột ngột.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính