Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình
Năm 2020 đánh dấu 75 năm thành lập Liên hợp quốc, vừa là dịp kỷ niệm sự ra đời của hàng loạt văn kiện quốc tế quan trọng về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ như: Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995.
Đặc biệt, năm nay cũng đánh dấu tròn hai thập kỷ kể từ khi vấn đề "Phụ nữ, hòa bình và an ninh" trở thành một chương trình nghị sự toàn cầu, đặt nền móng bởi Nghị quyết 1325 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua vào năm 2000.
Phụ nữ trên thế giới đang tiếp tục khẳng định mạnh mẽ vai trò của mình trong ngăn ngừa, giải quyết và tái thiết hậu xung đột; tham gia tích cực trong thiết lập, gìn giữ và kiến tạo hòa bình; đi đầu trong định hướng, thúc đẩy phát triển và tiến bộ xã hội.
Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, "Phụ nữ, hòa bình và an ninh" không chỉ trở thành một trọng tâm trong chương trình nghị sự với 10 Nghị quyết liên quan được thông qua kể từ năm 2000, mà còn được được lồng ghép trong hầu hết các văn kiện của Hội đồng Bảo an.
Trong thực tế, sinh mạng và phẩm giá của phụ nữ còn bị đe dọa, nhiều bé gái không được tới trường do nhiều quốc gia, khu vực vẫn lâm vào hoàn cảnh chiến tranh, xung đột, đói nghèo, dịch bệnh và bạo lực về giới tiếp tục là vấn nạn.
Người phụ nữ còn phải đối mặt với nhiều rào cản về chính trị, kinh tế và văn hóa, thiếu sự hỗ trợ cần thiết để phát huy đầy đủ vai trò hoặc thậm chí bị gạt ra bên lề sự phát triển của xã hội.
Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới
Đại dịch COVID-19 đang đe dọa những tiến bộ trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, tước đi những nguồn lực dành cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ trên toàn cầu.
Chính sách nhất quán của Việt Nam luôn mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục khẳng định cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, đề ra các biện pháp và thu hút các nguồn lực cần thiết để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia thiết thực hơn nữa trong xây dựng, củng cố hòa bình và an ninh.
Việt Nam coi thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò, đóng góp của phụ nữ trong xây dựng hòa bình là những ưu tiên chính sách quan trọng cả ở trong nước và trên trường quốc tế, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc và ASEAN.
Việt Nam là nước sớm phê chuẩn và nội luật hóa các quy định của Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979. Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và Mục tiêu Phát triển bền vững, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Trên cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã cùng các nước xây dựng và thúc đẩy Nghị quyết 1889 năm 2009 của Hội đồng Bảo an về vai trò của phụ nữ sau xung đột và sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề "Phụ nữ, hòa bình và an ninh" trong nhiệm kỳ 2020-2021.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, LHQ đã coi trọng vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình xây dựng, gìn giữ hòa bình.
Năm 2000, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã thông qua Nghị quyết 1325, chính thức đưa vấn đề Phụ nữ, hòa bình và an ninh vào chương trình nghị sự.
Lần đầu ghi nhận ảnh hưởng của xung đột vũ trang đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời nhìn nhận vai trò và khả năng đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong phòng ngừa, giải quyết xung đột, xây dựng và gìn giữ hòa bình.
Là quốc gia từng trải qua nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, có kinh nghiệm tái thiết đất nước hậu xung đột và đạt nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới, những năm qua, Việt Nam luôn tích cực tham gia xây dựng các văn kiện, chương trình hành động quan trọng của cộng đồng quốc tế liên quan vai trò của phụ nữ.
Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2008-2009, Việt Nam đã cùng các nước xây dựng và thúc đẩy Nghị quyết 1889 của HĐBA về vai trò của phụ nữ sau xung đột.
Tuấn AnhBạn đang xem bài viết Tròn 2 thập kỷ Việt Nam nỗ lực cho 'Phụ nữ, hoà bình và an ninh' tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].