Những tiết dạy đặc sắc
Để quá trình giao tiếp bằng ngôn ngữ hiệu quả, người học cần thành thạo các kĩ năng nghe- nói- đọc- viết. Làm thế nào để tiết dạy kĩ năng viết viết trở nên thú vị? Làm thế nào để giúp học sinh diễn đạt được suy nghĩ một cách hấp dẫn, lôi cuốn người nghe?
Xuất phát từ những băn khoăn, trăn trở đó, cô giáo Nguyễn Hạnh Lê – giáo viên môn Ngữ văn của trường THCS Giảng Võ – đã lựa chọn bài “Viết bài văn kể lại một kỉ niệm của bản thân” (Ngữ văn 6 – Bộ sách Cánh diều) để thực hiện tiết dạy giáo viên giỏi dự thi cấp Thành phố.
Đến với tiết dạy của cô Hạnh Lê, học sinh đã bị thu hút ngay từ đầu bởi tiết học được thiết kế với ý tưởng độc đáo: mỗi em học sinh trở thành một hành khách đặc biệt trên chuyến bay cất cánh tại sân bay Ba Đình để trở về vùng đất của kí ức, gặp lại những kỉ niệm đáng nhớ thưở ấu thơ. Trên chuyến bay đặc biệt này, không gian được trang trí những tấm ảnh, những kỉ vật khơi gợi hứng thú và tạo tâm thế cho các em học sinh. Sự sáng tạo trong ý tưởng xây dựng bài dạy, sự vận dụng linh hoạt và đa dạng các phương pháp, kĩ thuật dạy học của cô Hạnh Lê đã lôi cuốn học sinh tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động.
Bên cạnh không khí sôi nổi, hăng hái khi phát biểu xây dựng bài, các em học sinh cũng có những giây phút lắng mình theo dòng kỉ niệm khi cầm tấm “vé về ngày xưa” và viết lên đó hành trình trở về quá khứ để gặp gỡ “người muốn gặp” hay “điều đáng nhớ nhất” của mình. Kỉ niệm đã được đánh thức với bao cung bậc cảm xúc trào dâng; không còn sự ngần ngại bày tỏ, không còn nỗi “sợ” viết mà thay vào đó là những lời chia sẻ chân thành, sự đồng cảm yêu thương được khơi dậy trong mỗi em học sinh. Tiết dạy sáng tạo và đầy xúc cảm của cô Hạnh Lê đã đạt giải Nhì cấp Thành phố.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Tiểu học A Thị Trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) đã thực hành tiết dạy: “Mở rộng vốn từ về bạn trong nhà. Biện pháp so sánh”. Tiết học gây ấn tượng bởi tính sáng tạo mới mẻ: nội dung kiến thức, các kỹ thuật dạy học, các phương pháp dạy học tích cực … đã được tổng hoà thiết kế thành một câu chuyện trải nghiệm hấp dẫn, thu hút người học.
Học sinh được hoạt động sôi nổi, thảo luận theo hình thức “Lẩu băng chuyền”, hoạt động theo nhóm chuyên gia, nhóm mảnh ghép ứng với từng nhiệm vụ học khác nhau. Những phiếu học tập được chuẩn bị kĩ lưỡng; những video được quay và thiết kế cẩn thận; những chi tiết nhỏ trong bố trí các nhóm học tập,… đã trở thành công cụ hữu ích trong quá trình khám phá kiến thức của học sinh.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Năm học 2023-2024, hội thi giáo viên dạy giỏi Hà Nội với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo”. Tại hội thi, mỗi giáo viên dự thi 2 nội dung: Thực hành dạy một tiết theo kế hoạch của trường đăng cai tại thời điểm diễn ra hội thi và trình bày một biện pháp giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục học sinh của cá nhân tại trường nơi giáo viên đang làm việc.
Với phần thi Trình bày giải pháp, đây là phần thi có nội dung mới, giáo viên phải trực tiếp trình bày giải pháp sáng tạo nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục của mình. Nội dung trình bày đã được kiểm chứng qua thực tiễn hoạt động của bản thân trong thời gian qua.
Hội thi đã ghi nhận được rất nhiều giải pháp sáng tạo có tính cải tiến, đột phá của đội ngũ giáo viên trong quá trình công tác. Các giải pháp đã khai thác sâu, rộng các vấn đề, các lĩnh vực trong mọi hoạt động của nhà trường. Không chỉ dừng lại ở các biện pháp dạy học, cách giải quyết những nội dung kiến thức khó trong chương trình mà các giáo viên còn đặc biệt quan tâm tới các hoạt động giáo dục toàn diện, theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh tiểu học; hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa các môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội; biện pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh khi giáo dục học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; làm tốt mối quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh học sinh trên địa bàn…nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn của các thầy cô giáo tham gia hội thi. Đồng thời mong muốn các thầy cô tiếp tục phát huy sự tâm huyết, sáng tạo, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đóng góp vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Sau hội thi, các thầy cô đạt giải sẽ trở thành hạt nhân nòng cốt lan tỏa chương trình, bài học hay, hữu ích đến đồng nghiệp và học sinh. Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đề nghị các nhà trường tiếp tục quan tâm các gương điển hình, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, phong cách làm việc chuyên nghiệp cho cán bộ quản lý, giáo viên THPT trên địa bàn TP, góp phần thực hiện tốt phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”.
Phương MaiBạn đang xem bài viết Thi giáo viên dạy giỏi Hà Nội: Nâng cao chất lượng giáo dục, tôn vinh giáo viên dạy giỏi tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].