Vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo Hà Nội
Hà Nội đang triển khai lập Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô và lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và định hướng lập Quy hoạch Thủ đô, GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh vai trò quan trọng của lĩnh vực giáo dục và đào tạo Thủ đô.
Theo GS Minh, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.
Đồng thời, trong nhiệm vụ và giải pháp cũng chỉ rõ: “Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, y tế…”.
Thực tiễn chứng tỏ rằng giáo dục đào tạo, văn hóa và chất lượng nguồn nhân lực có quan hệ rất biện chứng. Các thành tố này vừa là nền tảng, vừa là động lực phát triển cho bất cứ một quốc gia nào.
Chương trình giáo dục đóng vai trò nền tảng, quyết định đến việc hình thành những thế hệ công dân Thủ đô phát triển toàn diện, có phẩm chất, năng lực ưu tú, có năng lực hội nhập quốc tế và giữ được bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Do đó, cần xác định giáo dục toàn diện là nền tảng, là con đường để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
8 đề xuất để nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
GS Minh cho rằng, giáo dục và đào tạo Thủ đô đã có những thành tựu đáng ghi nhận cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Điều này có thể được minh chứng qua kết quả thi tốt nghiệp và các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Giáo dục và đào tạo Thủ đô cũng là đơn vị đi đầu trong việc xã hội hóa giáo dục. Điều này cũng dễ hiểu vì đó là quyết tâm chính trị của thành phố và Hà Nội cũng có những tiền đề, lợi thế cần thiết để thực hiện.
Tuy vậy, giáo dục và đào tạo Thủ đô cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc và lúng túng. Hà Nội như là một Việt Nam thu nhỏ, có thành phố, có nông thôn và có cả miền núi. Mật độ di dân cơ học cao, công tác dự báo chưa thật chuẩn xác nên ngành giáo dục đào tạo hằng năm phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Do đó theo GS Minh khi Lập Quy hoạch Thủ đô và trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tập trung tới 8 vấn đề của giáo dục đào tạo:
Thứ nhất, Nâng cao dân trí. "Trong quy hoạch Thủ đô cần xác định rõ giữa việc xây dựng các khu đô thị, khu sản xuất phải đồng thời có đất cho giáo dục, y tế; Cần có tầm nhìn dài hạn cho vấn đề này. Trong chương trình giáo dục địa phương cần làm rõ nội hàm “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” một cách cụ thể và phải đưa vào trong chương trình giáo dục"..
Thứ hai, chú trọng giáo dục đại trà và mũi nhọn: Coi giáo dục đại trà là an sinh xã hội, là ưuviệt và bình đẳng xã hội. Thành phố đặc biệt quan tâm đến diện rộng này, trong đó có các khu công nghiệp, các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc.
Với giáo dục mũi nhọn, củng cố và phát triển hệ thống vốn có. Các trường chất lượng cao (không chỉ chất lượng mà còn dịch vụ) nên chăng xã hội hóa và để tư nhân đầu tư. Không nên biến các trường công thành trường chất lượng cao (cơ sở vật chất, mặt bằng do Thành phố đầu tư), điều này vô hình trung tạo nên bất bình đẳng, trong khi những khu vực nội đô đang thiếu phòng học cho học sinh. Cần có chính sách ưu tiên hơn nữa cho các đơn vị đầu tư giáo dục về mặt bằng, về đất đai, về thuế.
Thưa ba, tạo hệ thống hình mẫu trường học và giáo dục để nhân rộng: Ngoài việc Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường liên cấp, cóthể xây dựng các trường nghề phù hợp với các khu vực phát triển khác nhau gắn bóchặt chẽ với giáo dục phổ thông; các trường trung học phổ thông gắn với giáo dụcnghề nghiệp.
Thứ tư, xây dựng trường học thông minh và trường học hạnh phúc: Luật cần làm rõ, Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường học quychuẩn theo thông lệ quốc tế và có cơ chế đầu tư phù hợp; được quyền đào tạo, tuyểndụng đội ngũ giáo viên theo yêu cầu của địa phương theo cơ chế riêng; được quyền sắp xếp lịch học phù hợp.
Thứ năm, xã hội hóa. Luật Giáo dục qua các thời kỳ đã xác định rõ hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Trong đó, cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Để bảo đảm tính chất “đa mục tiêu” của nền giáo dục, chúng ta không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước mà cần thực hiện giải pháp “xã hội hóa”.
Để làm được điều đó, theo GS. TS Nguyễn Văn Minh, cần có điều khoản cụ thể đối với vấn đề xã hội hóa trong giáo dục, có chính sách ưu tiên, cả về đất đai, thuế và quyền tự quyết trong xây dựng mô hình, tổ chức thực hiện.
Thứ sáu, hội nhập quốc tế. Theo TS Minh, Hà Nội được quyền xây dựng các trường học với mức độ quốc tế hóa cao trong chương trình, chủ động trong hội nhập và được kí kết công nhận giữa các hệ thống, được quyền sắp xếp lại chương trình thích ứng để được công nhận rộng rãi trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có cơ chế đào tạo giáo viên, trao đổi giáo viên với các nước ở mức độ cho phép.
Thứ bảy, nâng cao hoạt động học tập suốt đời, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội kiến nghị Hà Nội được quyền tổ chức lại các mô hình giáo dục thường xuyên, gắn mô hình nâng cao tay nghề; Đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; Các tổ chức học tập cộng đồng phù hợp, linh hoạt với yêu cầu của sản xuất, kinh doanh của từng khu vực.
Thứ tám, về xây dựng đội ngũ cán bộ, Hà Nội được quyền xây dựng các quy định, tiêu chuẩn phù hợp trong tuyển dụng. Hà Nội được phép ký kết đào tạo đội ngũ không chỉ trong nước mà cả với các đối tác quốc tế; Có cơ chế thí điểm hợp đồng giáo viên nước ngoài đảm bảo chất lượng giảng dạy cả trong hệ thống công lập; Được quyền công nhận chương trình, được quyền trao đổi học sinh với các đối tác.
"Để thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù. Trong đó, ngoài việc tuân thủ các luật liên quan, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có “không gian” rộng hơn, trong đó có các điều luật về giáo dục đào tạo thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, GS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.
V.LinhBạn đang xem bài viết Phát triển giáo dục đào tạo là nền tảng và động lực cho Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].