Đã qua rồi cái thời “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”
Quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã quá quen thuộc với người Việt. Chính vì thế mà từ bé, đàn ông đã được dạy dỗ phải trở thành trụ cột cho gia đình. Còn phụ nữ, từ bé luôn được dạy cách nấu nướng, chăm sóc gia đình.
Chính vì quan niệm từ bao đời nay là vậy, nên khi một người phụ nữ kiếm tiền được nhiều hơn chồng sẽ bị không ít người đánh giá là “đoảng việc nhà”, “không có thời gian chăm sóc con cái”. Còn đàn ông kiếm được ít tiền hơn vợ sẽ bị gắn mác “bất tài, vô dụng”…
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nói về quá khứ săn bắt, hái lượm của người Việt cổ. Khi đó, người đàn ông có ưu thế tuyệt đối về cơ bắp, sức khỏe nên gánh vác những công việc nặng nhọc hơn như săn bắt, lên rừng lấy gỗ về dựng nhà cửa. Còn người phụ nữ sức khỏe yếu nhưng lại khéo léo hơn nên sẽ đảm nhận công việc hái lượm, chăm sóc con cái.
Nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay, quan niệm này đã không còn phù hợp. Bởi, “thời nay nam nữ bình đẳng, chúng ta giải phóng phụ nữ khỏi cánh cửa gia đình, để họ tham gia nhiều hơn vào các công việc xã hội. Hiện nay, người phụ nữ cũng phải đi làm cả ngày giống người chồng, họ cũng có lương và không phải phụ thuộc vào chồng. Thậm chí, ở thời đại 4.0 ngày nay, nhiều công việc mà sự dịu dàng, khéo léo của người phụ nữ trở thành lợi thế. Và rất nhiều phụ nữ còn có thu nhập cao hơn chồng, cùng chồng trở thành “trụ cột” xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc” – ông Trịnh Trung Hòa nói.
Và khi người phụ nữ đã san sẻ gánh nặng “xây nhà” cùng người chồng thì người chồng cũng nên chia sẻ việc nhà, chăm sóc dạy dỗ con cái cùng người vợ. Trong gia đình, cần tuyệt đối tránh tình trạng khi đi làm về, một người tay năm tay mười làm không hết việc, trong khi người kia nằm xem tivi, chơi điện thoại, ăn xong lại đi đánh cờ, lướt Facebook.... Nếu tồn tại sự bất hợp lý như vậy thì gia đình không thể êm ấm được.
Ông Trung Hòa chia sẻ thêm rằng, đã có nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, nét giống nhau của các gia đình hạnh phúc là trong những gia đình đó, vợ chồng thường chia sẻ việc nhà với nhau mà không đẩy hết cho một người, bất kể người đó là vợ hay chồng.
Đặc biệt, trong một gia đình, người mẹ, người phụ nữ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Họ được coi là người giữ lửa cho gia đình, chăm lo đời sống tinh thần, tình cảm cho các thành viên gia đình.
“Thực tế, khi đến nhà một ai đó mà thấy người vợ tươi cười, hài hước thì không khí gia đình đó sẽ rất vui vẻ, hòa thuận, tràn ngập tiếng cười, con cái vui vẻ hoạt bát. Không khí gia đình sẽ được quyết định bởi người phụ nữ chứ không phải người đàn ông” – ông Hòa chia sẻ.
Vai trò “xây tổ ấm” của người mẹ - người phụ nữ trong xã hội hiện đại
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, vai trò “xây tổ ấm” của người phụ nữ trong xã hội hiện đại đã có nhiều thay đổi. Bởi họ cũng là người cùng tạo nguồn thu nhập, gánh vác kinh tế gia đình và cũng góp công, góp của “xây nhà” cùng chồng. Ngoài ra, với các tư cách làm bà, làm mẹ, làm vợ, làm con (đã trưởng thành), người phụ nữ còn có những vai trò đặc biệt.
Với bản tính yêu thương, che chở, người phụ nữ thường là người đảm nhiệm chính chức năng chăm sóc đời sống tinh thần, tình cảm, gắn kết các thành viên gia đình.
Với bản tính vị tha, trái tim nhân hậu, người phụ nữ biết cách tạo cho gia đình trở thành tổ ấm, nơi sum vầy, chia sẻ yêu thương, nơi bộc lộ cảm xúc tâm hồn của mỗi thành viên.
Trong gia đình, người phụ nữ trở thành sợi dây liên kết tình cảm trong gia đình, là người thường xuyên gần gũi động viên, kết nối các thành viên trong gia đình: Ông bà – Bố mẹ - Vợ chồng - Con cháu... để giữ gìn hòa khí trong gia đình. Người phụ nữ thể hiện vai trò này một cách bình dị và tự nhiên.
Đặc biệt, ông Hòa nhấn mạnh, trong vài trò của người vợ ở thời nay, người vợ cần biết “dạy chồng từ thuở bơ vơ”. Đó là khi cư xử với chồng vừa mềm mỏng, vị tha, vừa kiên quyết, khôn khéo để có thể giúp chồng chiến thắng những thói hư tật xấu, vượt qua nghịch cảnh, cám dỗ và các tệ nạn xã hội để cùng vợ chia sẻ việc nhà, cùng vợ dạy dỗ con cái, xây dựng, bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Vai trò làm mẹ của người phụ nữ sẽ đến sau vai trò làm vợ. Người phụ nữ có thiên chức cao quý là sinh đẻ để duy trì nòi giống và nuôi dưỡng con cái từ khi con cất tiếng chào đời đến khi con trưởng thành, tự lập.
Với thiên chức cao cả đó nên người con thường nhận được sự chăm sóc, nuôi nấng của người mẹ nhiều hơn là từ người bố. Cũng chính vì vậy mà người con thường gần gũi, yêu mẹ nhiều hơn. Và phẩm chất đạo đức, nhân cách của người mẹ có ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành thể lực, trí lực, phẩm chất, nhân cách của người con. Người mẹ cũng là người thầy đầu tiên của con.
Từ khi con cất tiếng khóc chào đời, mẹ là người đầu tiên dạy con biết lắng nghe, biết biểu lộ cảm xúc. Rồi cũng chính mẹ là người dạy con từng câu nói bập bẹ, từng bước đi chập chững, từng cử chỉ, hoạt động… Mẹ cũng chính là chỗ dựa tình cảm, tinh thần của con, giúp con vượt qua những trở ngại, khó khăn của cuộc sống.
Với tư cách làm bà, phụ nữ có vai trò chăm sóc, dạy bảo các cháu, trao truyền văn hoá truyền thống, kinh nghiệm lao động sản xuất, kinh doanh, kinh nghiệm đối nhân xử thế, định hướng giá trị sống cho con cháu, hỗ trợ kinh tế (nếu có), là chỗ dựa về tinh thần cho con, cháu.
Với tư cách làm con (đã trưởng thành) trong gia đình, phụ nữ có vai trò tham gia quyết định các vấn đề lớn của gia đình, đóng góp kinh tế, chăm sóc người ốm, người già, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà, là chỗ dựa về kinh tế - tinh thần cho cha mẹ già…
Có thể thấy, trong gia đình, người phụ nữ không chỉ đóng góp về kinh tế để “xây nhà” mà còn là người gìn giữ nếp nhà, gia phong, nhắc nhở, giáo huấn các chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, duy trì nề nếp truyền thống của gia đình cho các con, cháu; vừa là người tiếp thu và sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới góp phần “xây tổ ấm” gia đình hòa thuận, ấm no và hạnh phúc.
An AnBạn đang xem bài viết Hiểu đúng về vai trò ‘xây tổ ấm’ của người phụ nữ trong xã hội hiện đại tại chuyên mục Sống Hạnh Phúc của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].