Chị Nguyễn Thị Thắng (SN 1988, ở Hạ Long, Quảng Ninh) mang thai con thứ 3 ở tuần thứ 37, nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng nhiều.
Qua thăm khám, kết hợp các kết quả chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, phát hiện chị Thắng bị rau tiền đạo bám mặt trước kèm rau cài răng lược bám toàn bộ vào cơ tử cung vô cùng nguy hiểm đối với sản phụ và thai nhi.
Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và ra quyết định phẫu thuật cấp cứu lấy thai.
BSCK I Tô Thị Kim Quy, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy nhận định: “Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Thắng có rau cài răng lược – một bệnh lý góp phần làm tăng tai biến xuất huyết và tử vong trong lúc sinh mổ, thường xuất hiện hiện ở thời kỳ cuối của mang thai, rất ít gặp trong sản khoa và rất khó chẩn đoán được trước sinh nên mọi xử trí rất bị động.
Đặc biệt, sản phụ Thắng đã có tiền sử mổ lấy thai, vị trí rau tiền đạo bám mặt trước cổ tử cung, bánh rau cài răng lược bám chặt, đâm xuyên cơ tử cung gây chảy máu ồ ạt toàn diện rau bám.
Nếu chúng tôi không hội chẩn và đưa ra những quyết định xử trí thận trọng, kịp thời, chắc chắn cả sản phụ và thai nhi sẽ tử vong”.
Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật lấy thai, cắt tử cung thay vì bóc tách nhau, giúp sản phụ thoát nguy cơ tử vong do xuất huyết trầm trọng và tổn thương tử cung cùng các cơ quan lân cận.
Bệnh nhân được truyền liên tục 6 đơn vị hồng cầu 350ml, 6 đơn vị huyết tương cho bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật và điều trị hậu phẫu.
Đặc biệt, ngay khi tình trạng sản phụ Thắng có nhóm máu hiếm - AB chuyển xấu do xuất huyết nhiều, huyết áp tụt trong quá trình mổ, bác sĩ Tâm – Khoa sản trong kíp phẫu thuật đã hỗ trợ hiến một đơn vị máu giúp bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần.
Ca phẫu thuật cấp cứu diễn ra thành công sau 1 giờ “cân não” với tử thần, bé trai nặng 2,7 kg đã cất tiếng khóc chào đời trong sự mừng rỡ của y bác sĩ bệnh viện và già đình.
Theo các bác sĩ, rau cài răng lược tiềm ẩn nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm như băng huyết, choáng, tăng nguy cơ nhễm khuẩn, tạo thành máu cục… đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của sản phụ và thai nhi.
Vì vậy, theo lời khuyên của bác sĩ Tô Thị Kim Quy, các sản phụ cần thường xuyên khám thai tại các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị sản khoa hiện đại, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ để phát hiện sớm rau tiền đạo, rau cài răng lược, có biện pháp điều trị kịp thời và tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra trong quá trình sinh sản.
Bạn đang xem bài viết Rau cài răng lược hiếm gặp kèm theo băng huyết làm mẹ con sản phụ suýt mất mạng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].