Giáo dục đào tạo thể hiện khát vọng nhiều nhất trong Quy hoạch Thủ đô
GS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân – đại diện Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô cho rằng, công tác quy hoạch giáo dục đào tạo Hà Nội là mảng khó, thể hiện khát vọng nhiều nhất trong Quy hoạch Thủ đô.
Giải thích cho điều này, theo GS Cường, Quy hoạch Thủ đô đã xác định mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại. Yếu tố văn hiến, văn minh ở đây không chỉ là xây dựng một Thủ đô hoành tráng, bề thế mà văn hiến, văn minh phải được thể hiện ở những cơ chế mềm, hành xử, ứng xử của từng người dân, từ người lao động đến cán bộ công chức. Và để hình thành được các yếu tố văn hóa, thanh lịch, văn minh cho người dân Thủ đô thì không ai khác là vai trò của giáo dục đào tạo.
"Liên danh tư vấn đã xác định vị thế của quy hoạch giáo dục trong Quy hoạch Thủ đô phải xứng tầm với vai trò, vị thế của giáo dục Thủ đô. Đây không chỉ đào tạo tri thức cho người dân Hà Nội mà đây là nơi cung cấp nguồn tri thức, đào tạo cho cả Vùng, cả nước, thậm chí là quốc tế. Do đó phải đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí mang tầm quốc tế. Ngoài ra, trong Quy hoạch Thủ đô đã xác định Hà Nội là TP kết nối toàn cầu, yếu tố tạo ra sự kết nối đó chính là con người, là công dân Hà Nội. Muốn có công dân kết nối toàn cầu thì phải đi từ vấn đề giáo dục đào tạo. Do đó, hệ thống quy hoạch phải thiết kế sao cho đạt được kỳ vọng” - GS Cường chia sẻ.
Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội
Theo đại diện đơn vị Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Công tác phổ cập giáo dục, Hà Nội được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Hà Nội có số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp lớn nhất cả nước. Giáo dục nghề nghiệp phát triển đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó thì ngành GD&ĐT Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là tình trạng thiếu trường, thiếu lớp cục bộ tại một số quận, huyện, thị xã có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc những nơi không còn quỹ đất để mở rộng (4 quận nội đô). Các chỉ tiêu (số lớp/ trường, số học sinh/lớp) ở một số phường, xã, quận nội đô và huyện đang phát triển đều không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Chất lượng giáo dục còn chưa phát triển đồng đều giữa khu vực nội thành và các huyện; giữa các trường trong cùng một quận, huyện dẫn đến tình trạng thừa thiếu chỗ học cục bộ. Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội (hiện đứng thứ 16/63 tỉnh thành, đứng thứ 9/11 tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng).
Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình THCS được tuyển vào các trường THPT công lập còn thấp chưa đáp ứng được chủ trương phân luồng do thiếu trường, thiếu lớp học.
Một số trường THPT tư thục đã thành lập trên 20 năm nhưng cơ sở vật chất vẫn còn phải thuê mượn không ổn định lâu dài, chưa tiếp cận được với quỹ đất theo quy hoạch. Hà Nội hiện có 2 trường THPT chuyên và 2 trường THPT có lớp chuyên cần rà soát sắp xếp lại theo Quy chế tổ chức hoạt động của trường chuyên..
Cần đánh giá đúng thực trạng tồn tại
Trước nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển giáo dục Thủ đô giai đoạn hiện nay và thời gian tới đã hiện hữu rõ nét thì việc Lập Quy hoạch Thủ đô là cơ hội quý giá để chỉnh sửa, làm mới, tạo bước đột phá cho giáo dục Thủ đô phát triển đúng tầm, đúng vị thế trong giai đoạn tới.
Đóng góp ý kiến về lĩnh vực giáo dục trong Quy hoạch Thủ đô, GS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, quy hoạch phát triển giáo dục Thủ đô liên quan đến nhiều nhiều lĩnh vực. Do đó, cần nghiên cứu kỹ, có cách tiếp cận khoa học để xây dựng quy hoạch. Nhất là phát triển giáo dục Thủ đô trong giai đoạn tới cần đặt trong bối cảnh mới của phát triển Thủ đô, đặc biệt sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi hoàn toàn bộ cấu trúc, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục. “Để xây dựng quy hoạch giáo dục Thủ đô Hà Nội cần đánh giá đúng thực trạng hiện nay, nhưng không phải đánh giá thành tích bởi nếu so với nhu cầu phát triển của đất nước thì khoảng cách còn rất xa” - GS.TS Trần Quốc Toản nêu.
Đồng quan điểm, TS. Trịnh Thị Anh Hoa - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng đưa ra ý kiến, phải đánh giá rõ thực trạng vị trí của ngành giáo dục Hà Nội, không chỉ so sánh với các tỉnh trong nước mà cần so sánh với các TP tương đồng trên thế giới. Có đánh giá đúng thực trạng thì mới đề xuất các mục tiêu phát triển sát với thực tế và cách thức thực hiện được các mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, quy hoạch được xây dựng cần đảm bảo công bằng, bình đẳng cho tất cả người dân đều có thể tiếp cận các dịch vụ giáo dục, đào tạo nhằm xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, trong quy hoạch cần đặt ra vấn đề ứng dụng công nghệ số, áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đưa nền giáo dục Thủ đô đạt được mục tiêu sánh ngang các nước trên thế giới.
Để đánh giá đúng thực trạng ngành Giáo dục Thủ đô hiện nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, công tác này phải được thực hiện trung thực, thẳng thắn, khách quan, khoa học và sáng tạo. Toàn bộ số liệu phải được cập nhật đến năm 2022 và có so sánh với Thủ đô một quốc gia có nền giáo dục tương đồng để đặt mục tiêu hướng đến, xây dựng kế hoạch thực hiện. Các kịch bản phát triển đưa ra cần đánh giá hiệu quả cụ thể, tránh nêu chung chung, thiếu những phân tích xác đáng, thuyết phục...
Giáo dục Thủ đô mang nhiều tham vọng
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, ngành giáo dục Thủ đô đặt ra nhiều tham vọng, trong đó tham vọng lớn nhất là nâng tầm chất lượng để có thể so sánh với giáo dục các thành phố Thủ đô các nước trong khu vực và quốc tế.
Thành phố cũng đặt mục tiêu đào tạo ra hệ hệ các công dân toàn cầu có sự am hiểu kiến thức, có trình độ ngoại ngữ và tin học. Xuất phát từ đó, thời gian qua, Sở đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo toàn diện, và tập trung xây dựng một số mô hình trường học hội nhập quốc tế
V.LinhBạn đang xem bài viết Quy hoạch Thủ đô: Giáo dục và đào tạo là mảng khó, thể hiện khát vọng nhiều nhất tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].